Hội nghị toàn quốc về phát triển thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo
Mục tiêu của Đảng, Chính phủ đã đề ra đến năm 2020 Việt Nam phải có 265 tỷ KWh điện, đến năm 2030 phải có 570 tỷ KWh điện. Hiện nay chúng ta mới có trên 170 tỷ KWh điện. Tuy nhiên, hiện nay, các nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí đốt...ngày càn cạn kiệt, để cân đối mục tiêu nêu trên, từ nay tới năm 2020, trong vòng hơn 3 năm nữa phải tìm ra các nguồn điện để bổ sung sản lượng điện thiếu khoảng 100 tỷ kWh vào năm 2020 và thiếu khoảng 300 tỷ kWh vào năm 2030. Vấn để đặt ra ở đây là cần phải tính toán để khai thác các tiềm năng, các nguồn năng lượng trong nước còn có thể khai thác, đồng thời tìm các nguồn điện từ các nước trong khu vực cung cấp thêm điện cho Việt Nam, như từ Lào, Campuchia, Trung Quốc... Tuy nhiên, nguồn điện mua từ nước ngoài hiện tại là không đáng kể... Từ nhận định trên, nguồn điện từ tài nguyên trong nước cần được đầu tư khai thác, đó là các nguồn thủy điện vừa và nhỏ, đặc biệt nguồn năng lượng tái tạo: điện gió. điện mặt trời, điện sinh khối một cách mạnh mẽ.
Về thủy điện, tổng công suất hiện tại đạt khoảng 17.000 MW, tạo ra sản lượng điện khoảng 70 tỷ kWh/năm. Trong đó, có trên 300 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã được xây dựng với công suất khoảng 70 tỷ kWh vào hệ thống lưới điện quốc gia. Theo đánh giá chung, các dự án thủy điện này đã đi vào vận hành ổn định. Nhiều dự án đã trồng lại rừng. Hầu hết dự án không ảnh hưởng tới tái định cư và đời sống của người dân thượng lưu cũng như hạ du.
Về năng lượng tái tạo, theo nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước tại Hội nghị, tiềm năng các dạng năng lượng tái tạo ở nước ta được đánh giá là phong phú. Việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như: gió, mặt trời, sinh khối... cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm đạt được mục tiêu của chiến lược là năm 2020: 11,700 tỷ kWh và năm 2030: 88,400 tỷ kWh, cao hơn nhiều so với Quy hoạch Điện VII điều chỉnh năm năm 2020: 5,830 tỷ kWh và năm 2030: 43,532 tỷ kWh.
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, kể cả trên thế giới và Việt Nam, năng lượng tái tạo nên tập trung vào ba dạng là năng lượng gió, mặt trời và sinh khối. đây là ba dạng có tiềm năng to lớn.
Năm 2015, Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo nhưng cho đến nay mới có khoảng 100 MW điện gió, 15 MW điện mặt trời, 10 MW điện sinh khối. Có thể nói rằng những con số này hết sức nhỏ bé so với tiềm năng vô tận của nó. Nguồn năng lượng này là nguồn năng lượng sạch không gây ô nhiễm môi trường. Nếu như được khai thác ở mức cao, tận dụng hàng chục nghìn MW từ năng lượng mặt trời, gió và năng lượng sinh khối sẽ có thể đảm bảo cân đối nguồn điện cho nhiều thế kỷ tới và luôn luôn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Hội nghị nhận được sự tham gia hưởng ứng, tham luận sôi nổi của các đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế, từ các Bộ, ban, ngành đến các Sở Công Thương. Các ý kiến tại Hội nghị sẽ được tổng hợp, là cơ sở soạn thảo văn bản kiến nghị lên các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.