Nhuận bút báo in, báo điện tử: Hệ số tối đa là 50
Theo đó, mức nhuận bút, thù lao trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả và những người tham gia thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm căn cứ vào thể loại, chất lượng tác phẩm, mức độ ảnh hưởng của tác phẩm đến kinh tế - xã hội, mức độ đóng góp vào tác phẩm.
Hệ số nhuận bút tối đa đối với các thể loại báo in, báo điện tử khác vẫn không thay đổi so với trước đây, cụ thể: Hệ số nhuận bút tối đa đối với tin, trả lời bạn đọc, tranh, ảnh là 10; đối với chính luận, phóng sự, ký (01 kỳ), sáng tác văn học, nghiên cứu và bài phỏng vấn là 30. Tương tự, hệ số nhuận bút tối đa đối với các tác phẩm báo nói, báo hình cũng dao động từ 10 - 50, trong đó, hệ số tối đa đối với thể loại tin, trả lời bạn đọc; chính luận, phóng sự, sáng tác văn học, nghiên cứu, hướng dẫn khoa học giáo dục và tọa đàm, giao lưu lần lượt là 10; 30 và 50. Giá trị 01 đơn vị hệ số nhuận bút bằng 10% mức tiền lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Đối với cơ quan báo chị tự bảo đảm chi phí hoạt động, việc trả nhuận bút cao hơn mức bình quân chung cho Tổng biên tập quyết định căn cứ vào chất lượng, thể loại, khung hệ số nhuận bút nhưng không vượt quá hệ số tối đa tại khung nhuận bút.
Bên cạnh đó, Nghị định số 18/2014/NĐ-CP cũng có quy định chi tiết về nhuận bút, thù lao đối với xuất bản phẩm. Cụ thể, tác giả phần lời của bản nhạc, truyện tranh được hưởng từ 30 - 50% nhuận bút của xuất bản phẩm đó; nhuận bút đối với xuất bản tái bản được hưởng từ 10 - 100% so với mức nhuận bút xuất bản lần đầu và được tính trên giá bán lẻ mới; người hiệu đính tác phẩm dịch được hưởng từ 5 - 30% nhuận bút tác phẩm dịch tùy theo mức độ và chất lượng hiệu đính và nhuận bút đối với xuất bản phẩm song ngữ bằng 50% mức nhuận bút của xuất bản phẩm dịch cùng thể loại quy định trong khung nhuận bút.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 06 năm 2014. Chi tiết, xem tại đây.