Giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Theo đó, Chính phủ giao các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty các doanh nghiệp nhà nước căn cứ đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý (i) xây dựng kế hoạch tiến độ cổ phần hóa trình cơ quan quyết định cổ phần hóa để phê duyệt; (ii) xây dựng kế hoạch, tiến độ thoái vốn đã đầu tư ra ngoài ngành, linh vực sản xuất, kinh doanh chính trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Cụ thể, đối với hoạt động thoái vốn ngoài ngành, ngoài các quy định tại Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/07/2013 về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước được thực hiện các giải pháp như: Thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định; chào bán ra công chúng số cổ phần mà doanh nghiệp Nhà nước đã đầu tư tại các công ty đại chúng có hoạt động sản xuất kinh doanh, v.v... Đối với việc thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính, các ngân hàng thương mại của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, có thể giao các ngân hàng thương mại Nhà nước mua lại hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện chủ sở hữu.
Cũng theo Nghị quyết này, việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tại các công ty cổ phần chưa niêm yết có giá trị tính theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên, doanh nghiệp được lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian (các công ty chứng khoán) bán đấu giá, hoặc tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp. Trường hợp đấu giá không thành công, doanh nghiệp báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định bán thỏa thuận.
Chi tiết Nghị quyết số 15/NQ-CP, xem tại đây.