Lực lượng quản lý thị trường sẽ được đào tạo bài bản, chính quy, tinh nhuệ
Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, số lượng về hưu mỗi năm của ngành khá lớn. Dự kiến, trong 3 năm tới số lượng này có thể lên đến khoảng vài trăm người/năm. Trong khi đó, để đào tạo được một cán bộ công chức thực hiện tốt nhiệm vụ cần rất nhiều thời gian. Chính vì vậy, việc tìm kiếm lực lượng bổ sung đang là vấn đề cấp bách đối với Tổng cục vì công việc QLTT ngày một phức tạp, đa dạng, đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng, nắm vững pháp luật vì có nhiều nghị định, thông tư… Đặc biệt là kỹ năng xây dựng cơ sở nguồn tin để có thể xây dựng được lực lượng “trinh sát” tại từng khu dân cư, tổ dân phố.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho hay hiện nay mỗi cán bộ QLTT ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phải phụ trách một phường với số lượng kinh doanh, bán hàng, sản xuất rất đông. Chính vì vậy, nếu không có “trinh sát cơ sở” thì không thể quản lý tốt địa bàn, nhất là các nguồn tin tố giác về một cơ sở sản xuất khả nghi xuất hiện ở những ngóc ngách khuất nhất.
Bên cạnh đó, theo ông Linh lực lượng này cũng sẽ phải được trang bị thêm rất nhiều kỹ năng để có thể đối phó với các đối tượng gian lận khi chúng manh động, không tuân thủ hiệu lệnh kiểm tra của lực lượng QLTT. Thậm chí, đã từng có cán bộ QLTT tử vong trong khi thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng QLTT Lạng Sơn cũng đã từng gặp phải nhiều trường hợp chống đối khi tiến hành kiểm tra xe có dấu hiệu vi phạm.
Trên thực tế, không ít lần cán bộ quản lý thị trường phải đối mặt với các tình huống nguy hiểm khó khăn. Đơn cử như Cục Quản lý Thị trường Lạng Sơn từng đối mặt với trường hợp khi đội QLTT số 9 (huyện Văn Lãng) ra hiệu lệnh kiểm tra một chiếc ô tô tải nhưng tài xế không chấp hành, lái xe bỏ chạy. Cán bộ đội 9 đã phải thông báo với Đội QLTT số 2 (huyện Cao Lộc) để phối hợp bắt giữ xe. Chỉ đến khi có sự hỗ trợ thêm của quần chúng nhân dân mới “dừng” được chiếc xe tải lại để kiểm tra.
Theo Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh, đặc trưng của QLTT là tiếp xúc với mặt trái của cơ chế thị trường. Trong khi các lực lượng khác chủ yếu quản lý địa bàn, có danh sách để kiểm tra thì QLTT phải đi tìm cái sai của các đơn vị, cá nhân “vẫn đang nằm trong bóng tối”. Nhiều khi phải mặc thường phục để trinh sát nắm tình hình, phải xuất hiện ở bất kỳ nơi nào có dấu hiệu buôn bán hàng hóa, nhất là vùng sâu, vùng xa nên việc trang bị các kỹ năng tự bảo vệ mình là rất cần thiết, đề phòng trường hợp bất trắc.
Hiện nay Tổng cục QLTT đã phối hợp với Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) mở chuyên ngành đào tạo QLTT. Trao đổi với báo chí, PGS-TS Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế cho biết, hiện tại ngành QLTT ở các nước phương Tây và Mỹ được đào tạo và quản lý cùng với ngành Hải quan để đảm bảo thực hiện được sự thông suốt trong quản lý hàng hóa ở các cửa khẩu và toàn bộ hàng hóa lưu thông trên tất cả các cung đường, vùng lãnh thổ mà quốc gia đó quản lý.
“Đây là ngành học rất tiềm năng, nhất là đối với các nước có hàng rào kỹ thuật lớn, do họ phải thực thi các quyền về quản lý thực phẩm, các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và đảm bảo quyền lợi của mọi người”, PGS Lợi khẳng định.
Bản chất của QLTT là quản lý cung - cầu và giá cả nên có thể các học viên của ngành khác như Hải quan, thương mại, thương mại quốc tế, kinh doanh có thể “bù” được phần nào lực lượng thiếu hụt trước mắt cho QLTT.
Theo kế hoạch, năm 2019, Viện sẽ lập đề án tuyển sinh chuyên ngành. Tiếp đến năm 2020, Viện chính thức tuyển sinh, số lượng ban đầu chỉ khoảng 50-60 học viên và sẽ nâng dần số lượng lên theo từng năm cho đến khi đáp ứng được đủ nhu cầu của ngành này. Trước mắt, để có thể kịp thời đáp ứng nhu cầu cho lực lượng QLTT, Viện dự định sẽ bổ sung thêm kiến thức đặc trưng cho các học viên ở ngành học “liên quan” như Hải quan, thương mại.