Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế sống mãi cùng thời đại
Những quan điểm về phát triển kinh tế của không chỉ là bộ phận hợp thành đặc sắc trong hệ tư tưởng của Người, mà còn thể hiện một tầm nhìn vượt thời đại.
Năm 1925, khi soạn thảo điều lệ của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam), Người khẳng định trong văn kiện lịch sử này: "Sau này chúng ta sẽ thành lập Chính phủ Nhân dân và áp dụng nguyên tắc Tân kinh tế". Thành lập Chính phủ Nhân dân là thực thi nền dân chủ, còn áp dụng nguyên tắc "Tân kinh tế" là chủ trương xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Đây chính là hai trụ cột của chế độ mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy Dệt 8/3 (năm 1965) |
Trong 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống, làm việc tại nhiều quốc gia có trình độ phát triển khác nhau trải khắp các châu lục. Chính từ những năm tháng này, Người đã đúc rút, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều luận điểm, tư tưởng chỉ đạo có tính nguyên tắc về phát triển kinh tế. Có thể khái quát thành 5 quan điểm lớn, mang rõ đặc sắc Việt Nam.
Một là, phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Hai là, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, phải quan tâm phát triển cả nông nghiệp và công nghiệp trong thời kỳ quá độ.
Ba là, trong thời kỳ quá độ, nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế.
Bốn là, tăng gia sản xuất phải đi đôi với thực hành tiết kiệm trong sản xuất, trong tiêu dùng, tiết kiệm vật tư, thời gian, sức lao động.
Năm là, trong phát triển kinh tế, phải quan tâm chống tham ô, lãng phí, quan liêu, đó là những thứ "giặc nội xâm", đồng minh với giặc ngoại xâm.
Nếu như thời điểm đặc biệt như năm 1925, chúng ta lần đầu tiên được tiếp cận với một quan điểm kinh tế lớn của Người thì ở một thời điểm đặc biệt khác tròn 20 năm sau đó, trong những giờ phút đầu tiên của chính thể mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa quan điểm áp dụng nguyên tắc tân kinh tế trong bức thư gửi giới Công Thương Việt Nam, ngày 13/10/1945.
Trong bức thư ngắn gọn này, Người chỉ rõ: "Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng.
Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng".
Đặt trong bối cảnh lịch sử lúc đó, khi kinh tế đất nước bên bờ vực kiệt quệ và sụp đổ do ách cai trị của thực dân, phong kiến; lại thêm quan niệm nhà buôn, thương nhân bị "lép vế" từ trong lịch sử, lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch đã khơi dậy ngọn lửa yêu nước, ý chí và khát vọng của giới Công Thương để họ tham gia kiến quốc, từng bước xây dựng nền móng kinh tế của nước Việt Nam mới.
Với ngành Công Thương, bức thư ngày 13/10/1945 không chỉ thể hiện sự khẳng định vị trí, vai trò của ngành mà trước đó đã được thể chế hóa trong sắc lệnh lập ra Bộ Kinh tế quốc gia trong thành phần Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà còn thể hiện những tình cảm đặc biệt của Người với một ngành rồi đây sẽ đóng vai trò trụ cột trong sản xuất của cải vật chất cho nước nhà.
Trong suốt mấy chục năm sau đó, trên cương vị nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ta, của nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành nhiều sự quan tâm, trực tiếp thị sát các cơ sở sản xuất công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, các cơ sở thương nghiệp, gặp gỡ đội ngũ cán bộ, công nhân và lao động ngành Công Thương của cả nước.
Ở những cơ sở vinh dự được Người đến thăm, bằng những phát biểu giản dị mà hết sức sâu sắc, thấm thía, mối quan hệ của những nhiệm vụ cả trước mắt lẫn dài lâu trong phát triển công nghiệp, thương nghiệp, năng lượng và cả hội nhập quốc tế đã được Người truyền đạt tới đội ngũ ngành Công Thương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn muốn thấy một nền kinh tế của đất nước thịnh vượng, đồng thời mang tính độc lập, tự chủ cao. Ước nguyện của Người cũng là những định hướng lớn của hôm nay.
Con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra về phát triển kinh tế và xây dựng đất nước vẫn vẹn nguyên giá trị, vẫn soi sáng chặng đường đi tới của chúng ta.