GDP quý IV đảo chiều, cả năm 2021 tăng trưởng 2,58%
Tăng trưởng kinh tế 3 tháng cuối năm khởi sắc, GDP quý IV ước tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020. Đây là sự đảo chiều ấn tượng so với mức sụt giảm của quý trước, đưa tổng sản phẩm trong nước năm 2021 ước tính tăng 2,58%.
Nguồn: TCTK |
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III/2021 nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, GDP năm 2021 ước tính tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh.
Nhìn lại chặng đường 1 năm qua, GDP quý I tăng 4,72%, quý II tăng 6,73%, quý III giảm 6,02% và quý IV tăng 5,22%. Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2021 của Tổng cục Thống kê (TCTK), trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.
Riêng trong quý IV, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,61%; khu vực dịch vụ tăng 5,42%. Về sử dụng GDP quý IV/2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 3,37%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,28%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 11,36%.
Thông tin cụ thể hơn về tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực, TCTK cho biết, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng và chăn nuôi đạt khá. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất – chế biến – tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trước những thuận lợi và khó khăn đan xen, kết quả hoạt động năm 2021 của ngành nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, tăng 3,18%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành lâm nghiệp tăng 3,88%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm và ngành thủy sản tăng 1,73%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.
Thêm một dấu hiệu tích cực của nền kinh tế những tháng cuối năm là sản xuất công nghiệp trong quý IV/2021 khởi sắc với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 6,52% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82% so với năm 2020, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,37%. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%. Trong khi đó, ngành khai khoáng giảm 6,21% do sản lượng dầu mỏ thô khai thác giảm 5,7% và khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 19,4%.
Cùng với đó, hoạt động thương mại, vận tải trong nước, khách du lịch quốc tế dần khôi phục trở lại. So với quý III, trong 3 tháng cuối năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 28,1%; vận chuyển hành khách tăng 48,4%, luân chuyển hành khách tăng 51,3% và vận chuyển hàng hóa tăng 31,8%, luân chuyển hàng hóa tăng 28,4%; khách quốc tế đến nước ta tăng 62,7%.
Đáng chú ý, cả năm 2021, ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 42,75%, hoạt động tài chính - ngân hàng tăng 9,42%, ngành thông tin và truyền thông tăng gần 6%.
Việc ban hành và triển khai kịp thời Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ đã góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2022 với 81,7% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021./.