Doanh nghiệp ngành Công Thương: Bảo đảm đời sống người lao động
Báo cáo của Công đoàn Công Thương Việt Nam về kết quả thực hiện Nghị định 153/2016/NĐ-CP và tình hình ổn định quan hệ lao động trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 cho thấy: 100% doanh nghiệp không xảy ra tình trạng nợ lương người lao động; bảo đảm đời sống, việc làm của người lao động.
Công đoàn Công Thương Việt Nam luôn tạo động lực, động viên khích lệ người lao động làm việc có năng suất, chất lượng cao hơn
Ông Quách Văn Ngọc - Trưởng Ban Chính sách và Pháp luật Công đoàn Công Thương Việt Nam - cho biết: Công đoàn các đơn vị đã phối hợp với người sử dụng lao động đồng cấp xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng theo Nghị định 153/2016/NĐ-CP, triển khai chi tiết, cụ thể, gắn với tình tình thực tế của đơn vị và công bố công khai cho người lao động được biết.
Bên cạnh đó, công đoàn đã chủ động đề nghị, thống nhất với người sử dụng lao động thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định; trong đó doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc ban đêm, làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp. Do vậy, 100% doanh nghiệp đã cam kết thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo quy định nhưng không cắt giảm các chế độ khác mà người lao động được hưởng...
Về việc thực hiện các biện pháp ổn định quan hệ lao động trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, mặc dù nhiều đơn vị trong ngành còn gặp khó khăn nhưng Công đoàn Công Thương Việt Nam cùng với các đơn vị trực thuộc đã chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp thiết thực triển khai các hoạt động chăm lo cho người lao động. Thông qua các hoạt động này, vai trò của tổ chức công đoàn đã được thể hiện, phát huy; đồng thời, tạo động lực, động viên khích lệ người lao động làm việc tốt hơn, có năng suất, chất lượng cao hơn và gắn bó với đơn vị, với tổ chức công đoàn.
Báo cáo của Công đoàn Công Thương Việt Nam cho thấy: Hầu hết công đoàn các đơn vị phối hợp với chuyên môn chi lương, thưởng cho người lao động với mức bình quân là 1 tháng lương, có đơn vị thưởng tới hơn 5 tháng lương, như SABECO. Ngoài ra, công đoàn các đơn vị phối hợp với người sử dụng lao động đồng cấp tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện pháp luật lao động, thương lượng, thỏa thuận những nội dung có liên quan đến lợi ích người lao động được hưởng nhân dịp Tết Nguyên đán 2017, bảo đảm quyền của các bên trong quan hệ lao động, tạo điều kiện xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định…
Chính nhờ sự quan tâm đúng mức của công đoàn và người sử dụng lao động, trong dịp Tết đã không xảy ra bất cứ tranh chấp lao động nào dẫn đến đình công, bãi công tại doanh nghiệp, tạo sự ổn định trong quan hệ lao động và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, để chủ động ngăn ngừa, hạn chế tranh chấp lao động tập thể trước, trong và sau dịp Tết, công đoàn các đơn vị đã kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lao động và cải thiện, nâng cao quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật lao động, nhất là việc thanh toán tiền lương, tiền thưởng...
Không tính tiền thưởng Tết, tổng số tiền chăm lo, động viên người lao động các đơn vị nhân dịp Tết Đinh Dậu 2017 do Công đoàn Công Thương Việt Nam và các cấp công đoàn trực thuộc tổ chức thực hiện khoảng 30 tỷ đồng, trích từ nguồn đóng góp xã hội của ngành Công Thương Việt Nam và các nguồn khác tại các đơn vị.
Nguồn: Copy link