Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 03 năm 2016
Quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước
Từ ngày 5/3/2016,Thông tư số 09/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, Bộ Tài chính tập trung vào các quy định quyết toán đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước, sau khi hoàn thành hoặc dừng thực hiện vĩnh viễn. Trong đó, vốn Nhà nước bao gồm: vốn đầu tư công, vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn vay được bảo đảm của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước.
Cụ thể hơn, chi phí đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp thực hiện trong quá trình đầu tư xây dựng để đưa dự án vào khai thác, sử dụng.Chi phí hợp pháp là toàn bộ các khoản chi phí thực hiện trong phạm vi dự án, thiết kế, dự toán được duyệt; hợp đồng được ký kết kể cả phần điều chỉnh, bổ sung được duyệt theo quy định và đúng thẩm quyền. Đặc biệt, chi phí đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư được phê duyệt hoặc được điều chỉnh theo quy định của pháp luật.
Đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, các chương trình dự án thành phần hoặc tiểu dự án độc lập sử dụng (có quyết định phê duyệt dự án đầu tư riêng biệt) thì mỗi dự án thành phần hoặc tiểu dự án độc lập phải thực hiện lập báo cáo quyết toán, thẩm tra và phê duyệt quyết toán như một dự án độc lập.
Thông tư quy định, việc quyết toán dự án đầu tư sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vay ưu đãi của các nhà tài trợ tuân thủ các điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi mà Chính phủ, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Hướng dẫn cơ chế tài chính khi các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Từ ngày 07/03/2016, Thông tư số 14/2016/TT-BTC (Thông tư 14) của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế tài chính khi các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, cân đối cung cầu cho nền kinh tế bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, các doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị nếu thỏa mãn các điều kiện về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước thì được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước đối với diện tích đất, diện tích thuê mặt nước sử dụng đúng mục đích, nhiệm vụ chính trị theo quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất và Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). Trình tự, thủ tục miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thông tư 14 cũng quy định các doanh nghiệp mở sổ kế toán chi tiết để theo dõi riêng doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh và cung ứng sản phẩm, dịch vụ khi tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, cân đối cung cầu cho nền kinh tế. Các khoản chi phí phát sinh trong quá trình các doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị được hạch toán riêng và phải đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan. Các doanh nghiệp mở sổ kế toán chi tiết để theo dõi riêng chi phí phát sinh trong quá trình các doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị theo nguyên tắc: Trường hợp doanh nghiệp sử dụng, hạch toán riêng tài sản cố định, tài sản lưu động và chi phí khác phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị thì tập hợp các chi phí theo chứng từ thực tế. Trường hợp doanh nghiệp sử dụng chung tài sản cố định, tài sản lưu động, không thể tách riêng chi phí khác khi thực hiện nhiệm vụ chính trị thì thực hiện phân bổ chi phí (gồm chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí tài sản lưu động và chi phí khác) theo tỷ lệ doanh thu của phần hoạt động sản xuất kinh doanh và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ khi tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị với tổng doanh thu của hoạt động sản xuất kinh doanh chung của doanh nghiệp.
Quy định chi tiết Luật Thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
Từ ngày 10/3/2016, Nghị định số 07/2016/NĐ-CP (Nghị định 07) quy định chi tiết Luật Thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực.
Theo Nghị định 07, Thương nhân nước ngoài được thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Một thương nhân nước ngoài không được thành lập nhiều hơn một Văn phòng đại diện hoặc Chi nhánh có cùng tên gọi trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nghĩa vụ của thương nhân nước ngoài đối với hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh Thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam.
Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận; Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 01 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký; Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ; Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Trường hợp nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Văn phòng đại diện phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành (sau đây gọi chung là Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành).
Cũng theo Nghị định 07, Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận; Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 05 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký; Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ; Nội dung hoạt động của Chi nhánh phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với ngành nghề kinh doanh của thương nhân nước ngoài.
Trường hợp nội dung hoạt động của Chi nhánh không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Chi nhánh phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành.
Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài có thời hạn 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp giấy tờ đó có quy định về thời hạn. Thời hạn của Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh được cấp lại bằng thời hạn của Giấy phép đã được cấp trước đó.
Thương nhân hoạt động tại vùng khó khăn được tăng mức tiền vay
Từ ngày 15/3/2016, Quyết định số 307/QĐ-TTg điều chỉnh mức cho vay đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, điều chỉnh mức vốn cho vay quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn. Đối với thương nhân là cá nhân không thực hiện mở sổ sách kế toán và nộp thuế khoán theo quy định của cơ quan thuế: Mức vốn cho vay tối đa là 50 triệu đồng.
Quyết định này cũng điều chỉnh mức bảo đảm tiền vay quy định tại Điều 12 của Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn như sau: Thương nhân vay vốn đến 50 triệu đồng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Thương nhân vay vốn trên 50 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm và hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội.”
Quyết định này áp dụng cho những khoản vay được ký hợp đồng mới kể từ khi Quyết định này có hiệu lực thi hành, không thực hiện cho vay bổ sung đối với dư nợ cũ của hợp đồng đã ký trước thời gian điều chỉnh mức cho vay theo Quyết định này.