Chính phủ quy định điều kiện ký hợp đồng mua bán điện sinh hoạt
Cụ thể, theo quy định của Nghị định số 137/2013/NĐ-CP, để đảm bảo các điều kiện mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt, bên bán điện phải có lưới điện phân phối đủ khả năng cung cấp điện đáp ứng nhu cầu của bên mua; bên mua điện phải có năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật và có giấy đề nghị mua điện kèm theo bản sao của một trong các giấy tờ như: Hộ khẩu thường trú, hoặc sổ tạm trú; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc quyết định phân nhà; hợp đồng mua bán nhà hợp lệ; hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 01 năm trở lên, v.v...
Trường hợp bên mua là khách hàng sử dụng điện có sản lượng điện tiêu thụ bình quân từ 01 triệu kWh trở lên thì phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước khi hợp đồng mua bán điện có hiệu lực. Giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng do các bên mua, bán điện thỏa thuận nhưng không vượt quá 15 ngày tiền điện (tính trên cơ sở sản lượng điện tiêu thụ trung bình tháng đăng ký trong hợp đồng mua bán điện và giá điện năng giờ bình thường được áp dụng).
Điện năng cung cấp cho bên mua phải đảm bảo các tiêu chuẩn về điện áp và tần số cho sử dụng điện như: Độ lệch điện áp cho phép trong điều kiện bình thường trong khoảng ± 5% so với điện áp danh định của lưới điện; độ lệch tần số hệ thống điện cho phép trong điều kiện bình thường là ± 0,2Hz so với tần số danh định là 50Hz, v.v...
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2013; thay thế Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 08 năm 2005.
Chi tiết Nghị định xem tại đây.