Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trộm cắp điện từ 20.000 kWh trở lên
Theo đó, Nghị định số 134/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức hoặc đơn vị điện lực vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực và lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; an toàn đập thủy điện lần lượt là 100 triệu đồng và 200 triệu đồng.
Cụ thể, phạt từ 15 - 20 triệu đồng đối với đơn vị hoạt động điện lực trong thời gian Giấy phép hoạt động điện lực đã hết thời hạn sử dụng hoặc bị mất, thất lạc mà không báo cáo đối với cơ quan cấp giấy phép; phạt tiền lần lượt từ 90 - 100 triệu đồng; 10- 15 triệu đồng và 45 - 50 triệu đồng đối với đơn vị phát điện có tổng công suất đặt các nhà máy điện lớn hơn 25% tổng công suất đặt của các nhà máy điện có công suất lớn hơn 30MW trong hệ thống điện; người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định (trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ) và cá nhân có hành vi trộm cắp điện số lượng từ 18.000 kWh đến dưới 20.000 kWh, v.v…
Riêng đối với hành vi trộm cắp điện từ 20.000 kWh trở lên, cá nhân, tổ chức có thẩm quyền phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để điều tra, truy tố.
Bên cạnh đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức hoặc đơn vị điện lực có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc nộp ngân sách Nhà nước số tiền bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; khôi phục lại tình trạng ban đầu; thay thế, lắp đặt các vật tư, thiết bị đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; bồi thường toàn bộ số tiền bị thiệt hại, v.v…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2013.
Chi tiết Nghị định xem tại đây.