An toàn thông tin và trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc đảm bảo an toàn thông tin
- Chụp các hình ảnh có thông tin cá nhân hoặc thông tin giao dịch để chia sẻ với bạn bè. Trong thời gian vừa qua đã có vụ việc hành khách chụp và chia sẻ vé máy bay trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo các chuyên gia, chỉ cần sử dụng phần mềm đơn giản có thể đọc được những thông tin lưu giữ trên mã vạch của vé máy bay, ví dụ: họ tên hành khách, lịch sử bay, tình trạng đặt chỗ, một số trường hợp có thể truy cập được thông tin tài khoản mà hành khách sử dụng để giao dịch…Những thông tin này nếu bị lợi dụng có thể gây những ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống của người tiêu dùng.
- Thực hiện theo các chỉ dẫn của kẻ lừa đảo. Đây là cách thức tưởng đã lỗi thời nhưng hiện nay vẫn thường được các đối tượng lừa đảo thực hiện. Người tiêu dùng có thể nhận được tin nhắn từ một kẻ giả làm đại diện ngân hàng với thông điệp cảnh báo về những lỗ hổng bảo mật và yêu cầu gọi điện đến số điện thoại hỗ trợ miễn phí. Sau đó, chúng sẽ yêu cầu được cấp tài khoản và mật khẩu để xác nhận. Hoặc hình thức tương tự là người tiêu dùng nhận được email thông báo cần cung cấp thông tin tài khoản để thực hiện một số biện pháp xác nhận của ngân hàng. Rất nhiều người tiêu dùng đã cung cấp chi tiết các thông tin cho đối tượng lừa đảo, dẫn đến, tài khoản bị truy cập và lấy tiền trái phép. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, với việc giả danh là cơ quan công an đang điều tra một vụ án, đối tượng lừa đảo rất dễ dàng hướng dẫn người tiêu dùng chuyển tiền trực tiếp vào một tài khoản được chỉ định để phục vụ cho việc xem xét điều tra.
2. Nhận thức của người tiêu dùng nhằm đảm bảo an toàn thông tin
Nhiều chuyên gia trên thế giới đã đưa ra nhận định, rằng dữ liệu giờ đây mới là nguồn tài nguyên quý giá nhất chứ không phải dầu mỏ. Sự phát triển của các công ty, tập đoàn lớn như Google, Facebook, Amazon là minh chứng cụ thể cho thấy việc khai thác và quản lý dữ liệu người tiêu dùng mang lại nguồn lợi nhuận to lớn cho các tổ chức, công ty. Với một giá trị được định hình và là thứ tài sản quý giá đối với nhiều doanh nghiệp như vậy, bản thân người tiêu dùng cần phải có sự thay đổi trong việc chia sẻ và sử dụng thông tin của mình, đặc biệt trong thời kỳ kỹ thuật số, khi một thông tin chia sẻ trên Facebook có thể sẽ được tiếp tục chia sẻ tới hàng nghìn phương tiện truyền thông khác.
Từ một khía cạnh khác, sự phát triển bùng nổ của các ứng dụng trên mạng cho phép người tiêu dùng có thể tham gia sử dụng rất nhiều loại hình, ứng với mỗi loại hình đó là một khía cạnh thông tin của người tiêu dùng. Ví dụ, tại các trang mua bán trực tuyến, người tiêu dùng để lại thông tin về sở thích mua sắm, món hàng mua sắm, thông tin thẻ…Tại các trang mạng xã hội, người tiêu dùng chia sẻ thông tin về sở thích bản thân, kế hoạch du lịch…Tại các diễn đàn thông tin, người tiêu dùng chia sẻ thông tin về nghề nghiệp, thu nhập, gia đình…Với sự hỗ trợ của các phần mềm công nghệ, một bên hoàn toàn có thể thu thập và tổng hợp toàn bộ thông tin liên quan đến bản thân của người tiêu dùng, từ đó, tạo hình thành một "con người ảo" của chính người tiêu dùng trên môi trường Internet. Khái niệm "Dữ liệu lớn (Big Data)" đã được ra đời nhằm đưa ra khái niệm về việc thu thập và xử lý một khối lượng rất lớn của thông tin trên Internet, từ đó, cung cấp các chỉ dẫn, các phương thức để đạt được mục đích của người sử dụng.
Từ những nội dung trên, có thể thấy, trong môi trường kỹ thuật số, thông tin của người tiêu dùng là tài sản quý giá không chỉ đối với các đơn vị kinh doanh mà còn đối với các đối tượng lừa đảo. Thế giới đang ngày càng tạo ra nhiều phương thức, công nghệ để thu thập tối đa và chi tiết các thông tin của người tiêu dùng. Do vậy, với vai trò là người chủ, là người sở hữu thông tin, người tiêu dùng trong các quá trình giao dịch hoặc thực hiện chia sẻ thông tin trên các phương tiện kỹ thuật số cần hiểu và nhận thức được những giá trị thông tin mà mình chia sẻ, từ đó, có những biện pháp phù hợp để bảo đảm an toàn cho thông tin, cho chính quyền lợi của bản thân mình.