Hà Nội sẽ nới lỏng từng bước, cho phép các công trình xây dựng hoạt động trở lại
Sau ngày 21/9, Hà Nội sẽ xây dựng phương án phòng, chống dịch theo hướng nới lỏng từng bước nhưng vẫn bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; các quận, huyện, thị xã chủ động các phương án phòng, chống dịch. Hà Nội cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ để làm việc với các tỉnh thành lân cận, phối hợp quản lý người ra vào Thủ đô.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn: Sau ngày 21/9, Hà Nội sẽ xây dựng phương án phòng, chống dịch theo hướng nới lỏng từng bước nhưng vẫn bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Ảnh: VGP/Gia Huy |
Thông tin được Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn nêu tại buổi giao ban trực tuyến Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố với các sở, ngành, quận, huyện thị xã chiều 19/9.
Các địa phương chủ động phương án để thực hiện “mục tiêu kép”
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, trong ngày 19/9, Hà Nội ghi nhận 17 ca mắc COVID-19, đều đã được cách ly. Lũy tích đến nay, Thành phố ghi nhận 4.179 ca, trong đó có 1.311 ca cộng đồng. Hiện nay, Hà Nội còn 44 điểm đang phong tỏa; 1.025 bệnh nhân đang điều trị. Cũng trong ngày 19/9, thành phố lấy 4.711 mẫu, phát hiện 14 ca dương tính.
Công tác tiêm vaccine tiếp tục được triển khai, lũy kế đến nay đã tiêm 5.671.478 mũi, đạt 94,2% người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 và chiếm 67,9% tổng dân số.
Về ổ dịch mới phát hiện ở phường Việt Hưng, đại diện lãnh đạo quận Long Biên cho biết, đêm 17/9, trên địa bàn quận có phát sinh các ca F0 ở tổ 4 phường Việt Hưng; quận đã khoanh vùng, phong tỏa chặt chẽ. Đến sáng nay 19/9, đã ghi nhận 11 ca F0, chủ yếu liên quan đến 1 dòng họ.
Quận đã cho rà soát lại toàn bộ các khu vực có các trường hợp liên quan đến F0, tiến hành khoanh vùng, phun khử khuẩn và lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho khoảng hơn 4.000 người tại khu vực, dự kiến ngày 20/9 sẽ có kết quả.
Về tình hình ổ dịch tại ngõ 328, 330 đường Nguyễn Trãi, đại diện lãnh đạo quận Thanh Xuân cho biết đến nay đã cơ bản được kiểm soát. Hiện nay tại khu vực này chỉ còn khoảng 100 người, chủ yếu là người già và mắc bệnh không thể di chuyển đi cách ly được. Vì thế, quận đã tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ hai ngõ này 2-3 ngày/lần để bảo đảm phòng, chống dịch.
Quận Thanh Xuân hiện đang xây dựng kế hoạch để dự kiến từ ngày 28/9 tới sẽ đón toàn bộ người dân đang cách ly tập trung ở ký túc xá Trường Đại học FPT (Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội) trở về khi hoành thành 21 ngày cách ly.
Sau khi nghe các quận, huyện báo cáo, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đặc biệt lưu ý: Chúng ta không thể cách ly xã hội mãi được, vì thế các địa phương phải chủ động các phương án để thực hiện “mục tiêu kép”, để thực hiện công tác phòng chống dịch khoa học, linh hoạt. Cùng với đó tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 vaccine cho người dân.
Sau ngày 21/9 sẽ cho phép các công trình xây dựng hoạt động trở lại
Kết luận buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn nêu, trong đợt đầu Hà Nội giãn cách xã hội (bắt đầu từ ngày 24/7), trung bình thành phố ghi nhận có 71,2 ca mắc mới/ngày; đến đợt giãn cách thứ 4 chỉ còn trung bình 25-27 ca/ngày; đến ngày 19/9, dự kiến cũng khoảng dưới 15 ca/ngày. Về kế hoạch tiêm chủng, đến ngày 15/9, Hà Nội đạt trên 93% tiêm mũi một; gần 70% toàn dân số đã được tiêm vaccine.
Qua chiến dịch xét nghiệm, Hà Nội đã xét nghiệm diện rộng trên 4 triệu người để phát hiện các trường hợp F0; tỷ lệ ca mắc ngoài cộng đồng đã giảm. Sau đó, thành phố đã điều chỉnh xét nghiệm theo hướng có trọng điểm, đúng đối tượng, khu vực nguy cơ.
Từ các mốc thời gian của từng loại vaccine, thành phố sẽ tiếp tục triển khai, bảo đảm sẽ tiêm vaccine mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên hoàn thành dự kiến trong tháng 11/2021. Đây là điều kiện quan trọng để thực hiện mục tiêu kép.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy đã nghe Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố báo cáo và xem xét kỹ các đề xuất để có các chỉ đạo cụ thể, hiệu quả nhất. Theo định hướng chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, dự kiến, sau 21/9, Hà Nội sẽ không chia 3 phân vùng. Nơi nào nguy cơ rất cao, có ca F0 sẽ trở thành điểm đỏ thì phải áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện theo tinh thần: “Không có đỏ là tốt nhất, có thì phải thu hẹp tối đa”.
Cũng theo ông Dương Đức Tuấn, sau ngày 21/9, Thành phố dự kiến sẽ cơ bản cho các công trình xây dựng hoạt động trở lại với các điều kiện cụ thể để bảo đảm an toàn, vì thế việc chủ động các phương án phòng, chống dịch cần được triển khai. Các khu vực điểm đỏ sẽ không được xây dựng hoặc đang triển khai xây dựng mà có F0 thì cũng phải dừng xây dựng.
Từ kinh nghiệm thực tế cho thấy việc nới lỏng phải đi kèm với phải kiểm soát chặt chẽ, Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ của Thủ đô. Hà Nội cũng báo cáo Thủ tướng để làm việc với các tỉnh thành lân cận, phối hợp quản lý người ra vào Thủ đô. Sau ngày 21/9, Hà Nội sẽ xây dựng phương án phòng, chống dịch theo hướng nới lỏng từng bước để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Các quận, huyện, thị xã chủ động các phương án phòng, chống dịch sau ngày 21/9; chú trọng các phương án bảo đảm phòng chống dịch cho các phương tiện đường bộ, đường hàng không về Thành phố; chuẩn bị điều kiện cần thiết khi các trường học đón học sinh, sinh viên trở lại học tập.