Cần cơ chế chính sách thông thoáng cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ hiện đang còn gặp phải rất nhiều khó khăn, cần sớm có những cơ chế, chính sách tháo gỡ nhằm đưa các doanh nghiệp tham gia được sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Chia sẻ tại Hội nghị Ban chấp hành (mở rộng) lần II - năm 2022 của Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) diễn ra ngày 13/10, ông Lê Quý Khả - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ điện TOMECO - chia sẻ, các doanh nghiệp vừa thoát khỏi những khó khăn do đại dịch Covid-19 thì lại rơi ngay vào cuộc xung đột Nga - Ukraina đã tác động tiêu cực đến các hoạt động của doanh nghiệp, nhất là các hoạt động xuất khẩu do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Lê Quý Khả, từ nay đến năm 2023, các khó khăn với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung vẫn tiếp diễn, nhất là sức ép từ tình hình tài chính, lạm phát trên thế giới có thể tác động tới Việt Nam. Mặc dù hiện Chính phủ và các bộ, ngành đang điều hành rất tốt, lạm phát được kiểm soát nhưng vẫn sẽ có tác động, nên sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước chỉ là phụ, doanh nghiệp tự lực mới là vấn đề chính yếu.
Ngoài ra, ông Khả cũng nhận định, doanh nghiệp còn gặp khó khăn do chính sách thường xuyên thay đổi. Mặc dù những thay đổi này đa phần là phù hợp, nhưng thường các doanh nghiệp còn độ trễ để bắt kịp những thay đổi này. Nên với không ít doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị mất 2-3 năm, đến khi đi vào hoạt động thì lại không còn phù hợp với chính sách hiện hành, tạo thành rủi ro rất lớn.
Do vậy, ông Lê Quý Khả kiến nghị, các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề cần nâng cao các giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin nhanh chóng, để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ bắt kịp các chính sách kịp thời.
Ngoài ra, tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng kiến nghị về việc phối hợp cung cấp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, để phù hợp hơn với những ngành công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi độ chính xác cao, cũng như đáp ứng việc dịch chuyển công nghệ từ các nhà máy sản xuất đa quốc gia đến Việt Nam.
Là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn N&G, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội chia sẻ, dù đã có hệ thống chính sách ưu đãi tương đối hoàn thiện nhưng dường như doanh nghiệp còn chưa tiếp cận được. Nguyên do là các chính sách còn nhiều vướng mắc trong khâu thực hiện, một số quy định ưu đãi còn chung chung khiến các cơ quan thừa hành cấp dưới lúng túng trong triển khai đến các doanh nghiệp.
Xuất phát từ những tồn tại đối với sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay, ông Nguyễn Hoàng thông tin, cộng đồng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố rất mong muốn thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ quan tâm, xem xét những đề xuất, kiến nghị xuất phát từ thực tế hoạt động.
Bên cạnh đó, đề xuất các cơ quan chức năng xem xét thành Ban chỉ đạo cấp Nhà nước do Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban với sự tham gia của một số Bộ ban ngành và các địa phương cùng đại diện các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để thống nhất chỉ đạo thúc đẩy giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Cần quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế để phát triển từng lĩnh vực cụ thể trong ngành công nghiệp hỗ trợ, tránh tình trạng nhà nhà, tỉnh nào cũng đua nhau phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm hạn chế việc lãng phí nguồn lực đầu tư của cả nhà nước và doanh nghiệp.
Cần có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn gồm lãi suất và thời gian, hạn mức vay,… do hiện nay các quy định về điều kiện vay vốn của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa thật phù hợp. Có thể nghiên cứu thành lập quỹ tài chính riêng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ dưới dạng quỹ mở để thu hút nhiều nguồn lực cả trong và ngoài nước.
Có thể nghiên cứu cho phép các doanh nghiệp tư nhân thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao được tiếp cận vay vốn ODA để đầu tư mua thiết bị, máy móc, công nghệ của nước ngoài để có khả năng sản xuất, liên kết tham gia chuối sản xuất, giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, nghiên cứu thành lập các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoặc Nhà nước cổ phần với các doanh nghiệp tư nhân để sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ then chốt phục vụ dân sinh và quốc phòng. Sau khi thành công có thể sẽ bán đấu giá các công ty 100% vốn Nhà nước này cho tư nhân quản lý.
Ngoài ra, cần tập trung nâng cao hoạt động kết nối các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn đang có mặt tại Việt Nam nhằm thúc đẩy việc các ông lớn FDI này có thể “kèm cặp”, đặt hàng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước nhằm thúc đẩy sự phát triển và hiện đại hóa ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Bà Trần Thị Lan Anh - Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần một bộ luật để được hỗ trợ nhiều hơn, giúp các chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Ngoài ra, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần nâng cao năng lực, công nghệ để tránh phụ thuộc, phát triển trở thành doanh nghiệp đầu chuỗi, không chỉ là tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp nước ngoài.
“Hy vọng có Luật Công nghiệp hỗ trợ sẽ hỗ trợ được nhiều hơn cho công nghiệp hỗ trợ. Chính sách trước đây đẹp nhưng dường như vẫn trên giấy, giờ cần ở sự vào cuộc của chính các doanh nghiệp, có ý kiến đóng góp để gửi đến các cấp đưa ra chính sách sát thực” - bà Trần Thị Lan Anh cho hay.