Nỗi buồn thiếu vắng đội ngũ doanh nghiệp tư nhân lớn
Hơn 30 năm phát triển, tại Việt Nam đã xuất hiện những doanh nghiệp tư nhân lớn, hoạt động đa ngành, mang tầm cỡ quốc tế. Cũng đã có những tỉ phú trong danh sách thế giới. Nhưng con số này mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tốc độ chuyển dịch doanh nghiệp từ nhỏ lên vừa và vừa lên lớn rất chậm, có nhiều doanh nghiệp phải mất từ 10-20 năm mới phát triển lên quy mô vừa. Nhưng khi tương đối thành công lại quyết định rút khỏi thị trường, bán hoặc sáp nhập doanh nghiệp mình vào doanh nghiệp khác, chủ yếu là với các doanh nghiệp FDI. Đây thực sự là tình trạng đáng buồn, bà Phạm Chi Lan cho biết.
Loay hoay phát triển doanh nghiệp
Quy mô lớn là lợi thế, để các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội kinh doanh, song nhiều doanh nghiệp tư nhân không muốn lớn. Giới chuyên môn nhận định, là do môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn thiếu thuận lợi. Bức xúc nhất hiện nay vẫn là tình trạng phân biệt đối xử. Khảo sát vừa qua của VCCI cho thấy, có 39,5% doanh nghiệp tư nhân cho biết, lãnh đạo các địa phương vẫn ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước hơn là phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Các doanh nghiệp tư nhân luôn gặp khó trong tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn, cũng như bất lợi về thanh, kiểm tra, thuế, hải quan so với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước.
Nếu như khó khăn các doanh nghiệp nhỏ thường đề cập tới là tiếp cận vốn, đất đai, thị trường, khách hàng... thì với các doanh nghiệp lớn lại là rủi ro về thay đổi chính sách. Khảo sát của VCCI mới đây cho thấy, một vấn đề đáng quan ngại là khả năng dự đoán những thay đổi chính sách, có xu hướng giảm liên tục.
Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết thường xuyên dự đoán được thay đổi chính sách, giảm từ mức 16% trong năm 2014 xuống còn 5% trong năm 2018. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được nội dung chính sách, tăng từ 42% năm 2014 lên 67% năm 2018. Sự suy giảm khả năng dự đoán chính sách này là xu hướng nhất quán trong 5 năm qua. Đây là một thực tế rất đáng quan ngại về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Nguyên nhân chính là do các chính sách, quy định pháp luật của Việt Nam thường thay đổi bất ngờ, diễn ra quá nhanh trong thời gian ngắn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng, một trong những điểm đang “trói” doanh nghiệp hiện nay chính là khả năng khó tiên đoán về thay đổi chính sách, . Điều này dẫn đến thực tế là quyền tự do kinh doanh có cải thiện nhưng an toàn của doanh nghiệp thì chưa. Do vậy, ứng xử về đầu tư trong khối tư nhân vẫn thiên về ngắn hạn, nhỏ lẻ và không mang tính chiến lược dài hạn. Chính vì vậy, những doanh nghiệp tư nhân thực sự lớn, có tầm vóc đến nay vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân đã định hướng rõ, đó là phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu…
Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, dường như chúng ta vẫn say sưa nói về Nghị quyết quá nhiều, trong khi những văn bản pháp luật của các bộ, ngành ban hành vẫn đi ngược lại. Trong năm 2020 có không ít những quy định pháp luật được ban hành hoặc soạn thảo không thực sự thân thiện với doanh nghiệp tư nhân.
Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ mới đây đã đưa ra định hướng: khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, với tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60%-65%.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Việt Nam vẫn lúng túng chưa biết làm thế nào để xây dựng được một đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh và hùng hậu. Nếu không làm được điều này, nền kinh tế sẽ rất “xập xệ”, không phát triển nổi.
Tham khảo kinh nghiệm của các nước, những bài học thành công của những quốc gia này sẽ cho chúng ta một phần lời giải. Tuy nhiên, ngành công nghiệp số và lĩnh vực chế biến chế tạo đang là những lĩnh vực chiếm tỷ trọng GDP lớn. “Vườn ươm” doanh nghiệp số có vẻ sẽ dễ dàng hơn doanh nghiệp truyền thống, chắc chắn trong tương lai, khối doanh nghiệp số của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội và đột phá hơn khi được Chính phủ và các Bộ ban ngành quan tâm nhiều như hiện nay, đặc biệt là với thế mạnh về công nghệ và tỷ lệ người Việt sử dụng thiết bị viễn thông ở thứ hạng cao trên thế giới (Top 10 quốc gia sành công nghệ). Minh chứng là Hàn Quốc và Ấn Độ, đang ngày càng có nhiều kỳ lân, nhiều tỷ phú tự thân vượt lên các tỷ phú lĩnh vực truyền thống. Ấn Độ và Hàn Quốc dành nhiều quỹ cho đầu tư mạo hiểm để có nhiều doanh nghiệp đột phá trên thị trường. Đơn cử tại Hàn Quốc trường hợp của Ông Brian Kim, nhà sáng lập ứng dụng nhắn tin trên di động Kakao, là minh chứng rõ nét nhất cho điều này. Với khối tài sản ròng cá nhân 12,9 tỷ USD, ông Kim mới đây đã vượt qua ông Jay Y. Lee - người thừa kế của tập đoàn Samsung - để trở thành người giàu nhất Hàn Quốc. Hàn quốc trực tiếp có những chính sách miễn giảm thuế cho khối doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ 5G. Chính phủ cũng dự định đầu tư khoảng 100.000 tỷ Won (khoảng 85,7 tỷ USD) thông qua các dự án quy mô lớn, các dự án khu vực công và đầu tư tư nhân vào các dự án công từ năm ngoái.
Đối với lĩnh vực chế biến chế tạo, khó hơn nhiều. Đáng mừng là chúng ta thấy nổi lên những cái tên như Thaco, Thành công, Vingroup,… nhưng thực sự những doanh nghiệp này mới tạo ra những mạng lưới liên minh mạnh trong nội tại và gần như chưa kết nối với khối doanh nghiệp bên ngoài. Họ cần phải là vai trò của những doanh nghiệp tiên phong với việc tạo ra những liên kết với bên ngoài hơn bao giờ hết nhằm xóa bỏ sự phát triển cục bộ, đơn lẻ của các doanh nghiệp Việt. Chúng ta thấy rõ xu hướng các doanh nghiệp và công nghệ trên thế giới đang thay đổi mang tính liên kết, sáp nhập và dịch chuyển mang tính toàn cầu hóa.
Vậy, Chính phủ sẽ can thiệp tích cực vào các hoạt động của các doanh nghiệp này như nào? Và bằng những công cụ gì? Có thể kể ra đây một vài cách thức mà các chuyên gia đã đề cấp khá nhiều mà đến nay chưa thấy được triển khai nhiều đó chính là chính sách ưu đãi, sự ủng hộ những doanh nghiệp lớn có khả năng chấp nhận rủi ro, có khả năng quản lý, làm thị trường và đầu tư lớn cho nghiên cứu những công nghệ tương lai để làm vai trò người “dẫn đầu” tổ chức “sân chơi” chung. Bên cạnh đó, có thể tạo ra những “cấu trúc mới” cho nền kinh tế đó là những nhóm doanh nghiệp nhỏ hơn thành một khối cạnh tranh với các doanh nghiệp đứng đầu. Hoặc nhóm doanh nghiệp lớn nhà nước cần cổ phần hóa với doanh nghiệp FDI hoặc DN nội địa tạo thành những nhóm liên kết DN mạnh, sẵn sàng cạnh tranh trực tiếp với những doanh nghiệp đứng đầu trên thị trường không chỉ trong nước mà quốc tế. Trong khi đó, Nhà nước phải tập trung đầu tư cho đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ của khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, bởi họ chỉ có thể tập trung vào sản xuất, làm thị trường, rất cần có sự hậu thuẫn của Chính phủ cho phát triển nghiên cứu công nghệ để phát triển doanh nghiệp. Có như thế mới mong khối doanh nghiệp này sẽ đạt tỷ lệ sống sót trong hai năm đầu thành lập và “lọc” ra một lớp doanh nghiệp thoát nhỏ và siêu nhỏ, từ những doanh nghiệp vừa vừa đó sẽ có một “lứa” những doanh nghiệp lớn hơn. Như vậy, mới hy vọng một số DN trong đó sẽ trở thành những doanh nghiệp dẫn đầu trong vòng 10 năm nữa nhằm thực hiện mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc cũng chỉ ra, xây dựng một nền kinh tế công nghiệp hiện đại sẽ không thể đạt được khi dựa vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việt Nam không ngoại lệ, chỉ các doanh nghiệp lớn với khả năng tiếp cận vốn, công nghệ mới là những chủ thể có thể tham gia vào các dự án hạ tầng quy mô lớn hay sản xuất hàng hóa xuất khẩu, hoạt động sản xuất kinh doanh với quy mô toàn cầu.
Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang thiếu trầm trọng các doanh nghiệp cỡ vừa và cỡ lớn, để trở thành các kênh kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu và trực tiếp tham gia vào thị trường quốc tế. Quy mô nhỏ, tính phi chính thức lớn, quản trị yếu kém, công nghệ thấp… vẫn đang là thực trạng phổ biến của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Thaco xuất khẩu xe bus mang thương hiệu Việt sang Philippines và linh kiện phụ tùng sang Hàn Quốc năm 2020. Doanh nghiệp tư nhân có sản phẩm hàng hóa giá trị cao như điện thoại thông minh, xe ô tô,… như Thaco không nhiều.