Chuyển dịch năng lượng bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long - Bài 2: Mô hình nông - điện: Hướng đi hiệu quả
Nở rộ mô hình kết hợp
Cánh đồng nuôi tôm rộng 5,6ha của Công ty CP Solan Việt Nam ở thôn Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu giờ đã thành “nhà máy phát điện mặt trời”. Anh Vũ Đức Thành, quản lý kỹ thuật cho biết, trước đây khi đầu tư đầm nuôi tôm theo mô hình công nghiệp thì thu nhập chỉ hoàn toàn dựa vào nguồn tôm bán ra, lại phụ thuộc vào nguồn điện vì phải sục oxy đáy ao. Nếu cúp điện quá lâu, tôm không đủ oxy sẽ chết.
Nhận thấy tiềm năng rất lớn khi kết hợp làm điện mặt trời trên các đầm tôm, nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình bắt đầu lắp đặt tấm pin mặt trời trên các ao chứa nước và lắng lọc, trừ ao nuôi. Nhờ đó, các đầm tôm tận dụng ngay nguồn điện ổn định từ pin năng lượng mặt trời, phần lớn còn lại phát lên lưới quốc gia. Mô hình kết hợp mang lại lợi ích kép, tăng thu nhập lên 2 - 3 lần. “Hiện, chúng tôi đã lắp pin năng lượng mặt trời cho 3,7ha. Suất đầu tư mỗi ha 13 - 13,5 tỷ đồng. Với giá bán điện 1.940 đồng/kWh, mỗi ha cho doanh thu 300 triệu đồng/tháng, chỉ 5,5 - 6 năm sẽ hoàn vốn, sau đó có thêm 15 - 20 năm thu lời vì các tấm pin này có tuổi thọ khoảng 20 - 25 năm”, anh Thành ước tính. Trên địa bàn huyện Hòa Bình hiện có khoảng 20 mô hình như vậy.
Không chỉ kết hợp điện mặt trời trên các ao nuôi tôm, ở các tỉnh ĐBSCL đang nở rộ kết hợp điện mặt trời với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Tại tỉnh An Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trương Kiến Thọ cho biết đã thực hiện lồng ghép ở những nơi khó khăn về điện hoặc tiêu thụ điện nhiều ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú… Hiện, toàn tỉnh có khoảng 20 mô hình kết hợp với sản lượng 1 - 5 kWp/mô hình, cho thấy hiệu quả rõ rệt khi bảo đảm nguồn điện ổn định nhờ tận dụng nguồn điện từ pin mặt trời. Có những cơ sở thấy hiệu quả đã nâng công suất lên 20 - 30 kWp. Một số doanh nghiệp lớn đang làm dự án đầu tư trang trại bò sữa, nuôi cá tra gắn với nguồn điện mặt trời tại chỗ. Mô hình kết hợp này giúp bà con “không cần lo lắng canh tác cây nào, hiệu quả ra sao mà yên tâm có nguồn thu nhập ổn định từ bán điện”, ông Thọ nhấn mạnh.
Tại tỉnh Hậu Giang, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Quốc Toàn thông tin, với trung bình bức xạ năng lượng mặt trời khoảng 4,3 - 4,9kwh/m2/ngày, số giờ nắng bình quân từ 2.200 - 2.500h/năm, tỉnh đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có diện tích quy hoạch 5.200ha và có trên 60 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp là những điều kiện thuận lợi để phát triển điện mặt trời áp mái cũng như làm mô hình kết hợp nông nghiệp với điện mặt trời.
“Với diện tích đất bình quân 1,2ha có thể đầu tư 1MWp trên nhà kính hoặc mái nhà trang trại để làm nông nghiệp bên dưới như trồng nấm, trồng rau hoặc các loại cây phù hợp, nuôi bò cao sản, nuôi gà, nuôi heo, nuôi dế… Doanh thu từ tiền điện tiết kiệm được và tiền bán điện có thể hoàn vốn cho toàn bộ cơ sở vật chất của trang trại sau 6 - 8 năm với giá bán điện 1.943 đ/kw như hiện nay. Nhờ đó, hiện tỉnh thu hút gần 100 nhà đầu tư đến tìm hiểu và xin chủ trương đầu tư điện mặt trời áp mái trên trang trại với tổng công suất đăng ký 212MW. Hiện, Công ty Điện lực Hậu Giang đã cho phép 50 nhà đầu tư đấu nối lên lưới điện 22Kv với tổng công suất 45MW; 563 khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, tổng công suất 13.599kWp”, Phó Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang Nguyễn Quốc Toàn chia sẻ.
“Chưa như mong muốn”
Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển cũng như đã khẳng định được hiệu quả kinh tế - môi trường song mô hình kết hợp nông nghiệp với điện mặt trời áp mái tại các tỉnh ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, trở ngại.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang Trương Kiến Thọ thừa nhận dù mô hình kết hợp mang lại lợi ích kép cho người dân, được tỉnh khuyến khích song “vẫn chưa được như mong muốn”. Bởi lẽ, một số khu vực muốn sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời song hạ tầng không cho phép để phát lượng điện lớn. Bên cạnh đó, mô hình này cần đầu tư trên diện tích lớn từ vài nghìn mét vuông mới có hiệu quả rõ rệt, trong khi đó vẫn cần vốn đối ứng của người dân khoảng 20% song không phải ai cũng sẵn sàng. Do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tham mưu để tỉnh có chủ trương giúp người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất hợp lý để khuyến khích đầu tư mô hình kết hợp. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương nâng cấp hệ thống truyền tải để bảo đảm tiếp nhận các nguồn điện mặt trời trên địa bàn.
Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Phát triển dự án Công ty CP Tập đoàn điện năng lượng tái tạo Việt Nam Đặng Xuân Quỳnh cho biết, hiện doanh nghiệp này đã đầu tư 10 dự án kết hợp này với tổng công suất 10MW, đã đấu nối 3MW điện mặt trời tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) song “cơ chế chính sách cho mô hình kết hợp này vẫn chưa có”. Chính điều này khiến “chúng tôi làm mái tại các trang trại thì không được công nhận”. Đặc biệt, quỹ đất bỏ hoang lâu không canh tác song vướng ở chính sách chuyển đổi sang làm mô hình nông nghiệp kết hợp điện mặt trời. “Bởi thế mà 105 dự án chúng tôi đang đầu tư tại Hậu Giang vẫn chưa thể triển khai”, ông Quỳnh thông tin.
Kết quả nghiên cứu “Mô hình sử dụng kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và tiềm năng cho Việt Nam” do Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) công bố năm 2019 cho thấy, sử dụng kết hợp điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp có thể giải quyết xung đột trong sử dụng tài nguyên đất giữa phát triển năng lượng và sản xuất nông nghiệp bằng cách kết hợp cả hai hoạt động này trên cùng một khu vực. Nghiên cứu điển hình tại TP Cần Thơ chỉ rõ, nếu ứng dụng trên cả khu vực trồng lúa, mô hình này có thể sản xuất lượng điện sạch gấp 5 - 7 lần nhu cầu tiêu thụ điện của Cần Thơ. Nếu loại bỏ khu vực trồng lúa, mô hình này vẫn có khả năng đáp ứng 40 - 70% nhu cầu điện hàng năm của thành phố. Đồng thời, mô hình giảm phát thải carbon từ 8 - 13 triệu tấn/năm. |
Tác giả: Đan Thanh, Báo Đại biểu nhân dân, bài đăng ngày 27/12/2020
Tác phẩm đạt giải C - Giải Báo chí 70 năm ngành Công Thương