Vì sao thương mại điện tử của doanh nghiệp Việt còn kém hấp dẫn?
Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) năm 2017, khách hàng cá nhân Việt Nam mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến từ nước ngoài nhiều hơn so với khách hàng cá nhân nước ngoài mua trực tuyến từ Việt Nam. Những hình thức kinh doanh xuyên quốc gia ngày càng phát triển với xu hướng toàn cầu hóa sẽ là một thách thức trong công tác quản lý thuế...
Hiện, một số website cung cấp sàn giao dịch nổi tiếng của nước ngoài như Ebay, Amazon... có lượng khách hàng trực tuyến từ Việt Nam không nhỏ. Vậy tại sao người tiêu dùng (NTD) Việt Nam lại rất thích mua hàng hóa trên các website nước ngoài?
Chị Thu Trang (ngụ quận 7), khách hàng trung thành của trang web Ebay cho biết: “Nếu so sánh thì hàng hóa bán trên website của doanh nghiệp (DN) Việt Nam có nhiều điểm yếu so với website bán hàng nước ngoài. Cụ thể, website của DN trong nước hàng hóa không đa dạng nên NTD ít có sự lựa chọn, trong khi website DN nước ngoài khắc phục được tình trạng này. Trang bán hàng của DN nước ngoài số lượng hàng khuyến mãi lớn, nhiều mặt hàng có giá giảm sâu lên đến 60-70% so với sản phẩm cùng loại bán trên trang web trong nước.
Đặc biệt, trên trang web DN nước ngoài có đánh giá, phân loại, các chủ kinh doanh trên trang web nên khi mua hàng, NTD căn cứ vào tiêu chí đánh giá đó để chọn người bán uy tín, hạn chế được rủi ro”.
Theo đại diện của VECOM: “Lý do khiến NTD trong nước ưa chuộng mua hàng trực tuyến nước ngoài là do hàng hóa của nước ngoài phong phú, đa dạng, phù hợp với một bộ phận lớn NTD trong nước, đặc biệt là giới trẻ thành thị. Lý do nữa là do các nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu như Amazon, Ebay, Rakuten… có uy tín rất cao”.