Tối ưu hóa các giao dịch tài chính điện tử
Trong khi các giao dịch tài chính hầu hết đã được điện tử hóa thì nhiều nơi vẫn yêu cầu người dân, DN xuất trình chứng từ tài chính giấy khiến hiệu quả cải cách giảm đáng kể. Ảnh: S.T.
Gần 100% DN khai thuế, hải quan qua mạng
Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, hiện nay, ở 2 lĩnh vực có sự tiếp xúc nhiều nhất với người dân và DN, các giao dịch hầu hết đã được triển khai bằng phương pháp điện tử. 118/300 thủ tục hành chính về thuế được thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4. Hệ thống khai thuế qua mạng và dịch vụ nộp thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố. 99,81% trên tổng số 567.768 DN đang hoạt động trên cả nước tham gia khai thuế qua mạng. Tổng cục Thuế đã kết nối triển khai nộp thuế điện tử với 43 ngân hàng thương mại. 97% DN đăng ký tham gia nộp thuế điện tử. Việc hoàn thuế điện tử đã được thí điểm tại 13 tỉnh, thành phố. 200 DN trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực,...
Trong lĩnh vực hải quan, 100% quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc tới cấp chi cục. 119/168 thủ tục hành chính về hải quan được thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4. 99,7 % DN XNK tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử. Thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, đã kết nối chính thức với 11 bộ, ngành và 38 thủ tục hành chính được thực hiện (chưa tính thủ tục trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính). Tính đến 15/6, tổng số hồ sơ hành chính được xử lý hơn 395,9 nghìn bộ, khoảng 12.300 doanh nghiệp tham gia.
Cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước ASEAN để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa XK; sẵn sàng để chính thức kết nối khi Nghị định thư pháp lý về Cơ chế một cửa ASEAN có hiệu lực.
Những ứng dụng giao dịch điện tử nói trên đã góp phần quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, nhiều bất cập vẫn tồn tại.
Rà soát hệ thống quy định hiện hành về giao dịch điện tử, Cục Tin học và Thống kê tài chính nhận thấy, các văn bản pháp luật liên quan đến giao dịch điện tử được ban hành đã khá lâu, cơ bản vẫn thiên về mô phỏng thực hiện theo phương thức giấy tờ truyền thống trên môi trường điện tử, chưa mạnh dạn khai thác lợi thế của phương thức điện tử như xử lý tự động, giảm thao tác thủ công và can thiệp của con người, do đó hạn chế tính hiệu quả của việc triển khai giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Bên cạnh đó, trong khi trên 97% DN đã tham gia sử dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực Thuế, Hải quan, song các cơ quan quản lý liên quan khác ngoài cơ quan Tài chính vẫn yêu cầu DN cung cấp các hồ sơ thực hiện thủ tục thuế, hải quan dạng giấy, dẫn đến DN thường xuyên phải chuyển đổi từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy, gây phiền hà cho DN, giảm tác dụng của việc cải cách thủ tục hành chính.
Ngoài ra, các giao dịch điện tử được thực hiện trên các hệ thống thông tin nhưng các quy định hiện hành về hệ thống thông tin còn ít nội dung và thiếu cụ thể hoặc chưa có quy định, đặc biệt về khía cạnh bảo đảm an toàn, bảo đảm tính chính xác về thời gian cho giao dịch điện tử. Thậm chí, có một số loại chứng từ mà thời gian khởi tạo và xử lý chứng từ bị ràng buộc các quy định quản lý chuyên ngành, có thể gây tranh chấp giữa các bên tham gia giao dịch điện tử.
Điện tử hóa chứng từ giấy
Để khắc phục các bất cập nói trên, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 27/2007/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính với nhiều đề xuất thay đổi lớn. Mục đích tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; giảm gánh nặng chi phí đối với DN, nhất là DN nhỏ và vừa; cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế.
Nội dung trước tiên mà Bộ Tài chính đưa ra là sửa nhóm chính sách về cụ thể hóa và mở rộng điều kiện chấp nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử để tạo thuận lợi cho việc triển khai, áp dụng giao dịch điện tử; hạn chế yêu cầu xử lý theo phương thức giấy tờ gây bất tiện cho người dân, DN. Trong đó, sửa đổi quy định chấp nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử có chữ ký điện tử bằng có chữ ký số; bổ sung chấp nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử có chữ ký số của tổ chức; chứng từ điện tử mà người khởi tạo, xử lý chứng từ được xác thực theo các cách sau: Xác thực bằng mã xác thực dùng một lần hoặc mã xác thực ngẫu nhiên gắn với người khởi tạo, xử lý chứng từ; xác thực bằng sinh trắc học. Cùng với đó, cơ quan này đề nghị bổ sung phương thức chuyển đổi chứng từ giấy sang chứng từ điện tử dưới dạng hình ảnh nguyên trạng (quét thành tệp ảnh hoặc PDF) hoặc nhận diện, chuyển để thành dữ liệu để lưu vào hệ thống thông qua sử dụng mã vạch hoặc phần mềm nhận diện ngôn ngữ, hình ảnh.
Để đảm bảo an toàn trong sử dụng, dự thảo Nghị định bổ sung các phương thức kiểm tra chứng từ điện tử gồm: Kết nối, truyền thông tin chứng từ điện tử cho cơ quan kiểm tra; cung cấp tài khoản truy cập hệ thống thông tin cho cơ quan kiểm tra; cung cấp tài khoản truy vấn (hỏi/đáp) thông tin về chứng từ điện tử cho cơ quan kiểm tra; truy vấn dưới dạng tin nhắn điện thoại trong phạm vi các số điện thoại di động của cơ quan kiểm tra. Nếu chuyển đổi chứng từ điện tử sang chứng từ giấy, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể in chứng từ điện tử do cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khởi tạo, xử lý để lưu trữ, đối chiếu thông tin hoặc xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra hoặc cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu tra cứu, xác minh thông tin trong phạm vi quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể yêu cầu chủ quản hệ thống thông tin xác nhận việc thực hiện giao dịch điện tử dưới dạng giấy để xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra hoặc cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu tra cứu, xác minh thông tin trong phạm vi quy định của pháp luật. Đặc biệt, các quy định không có nội dung cụ thể hoặc không khả thi như mã hóa chứng từ điện tử; khiếu nại, tố cáo; thanh tra, kiểm tra; niêm phong, tạm giữ, tịch thu chứng từ điện tử đều được đề nghị xóa bỏ.
Trong nhóm chính sách về bảo đảm an toàn của giao dịch điện tử và nâng cao năng lực xử lý giao dịch điện tử của các bên tham gia giao dịch, các quy định được đưa ra nhằm hướng tới tính tin cậy của giao dịch điện tử, thông qua đó thúc đẩy triển khai, áp dụng giao dịch điện tử. Giải pháp được lựa chọn là sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về tính tin cậy và bảo đảm an toàn đối với hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Cụ thể: Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính phải được đảm bảo chính xác về thời gian; phải có tính năng chuyển đổi chứng từ điện tử sang chứng từ giấy. Hệ thống thông tin và kết nối giữa các hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử phải được bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng. Khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thông tin của Việt Nam và thế giới. Việc kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa các hệ thống thông tin phải có biện pháp bảo đảm tính xác thực và toàn vẹn của chứng từ điện tử. Khuyến khích áp dụng chữ ký số cho mục đích bảo đảm tính xác thực và toàn vẹn của chứng từ điện tử...
Theo Bộ Tài chính, việc thay đổi như trên sẽ tăng tính minh bạch, cụ thể; tăng hiệu quả kinh tế đối với các bên tham gia giao dịch; phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao; tạo thuận lợi cho người dân, DN khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của cơ quan tài chính; mang lại hiệu quả thực sự cho cải cách thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến.