Hóa đơn điện tử: Xu hướng không thể khác
Cần thiết sửa đổi
Sau gần 7 năm thực hiện, Nghị định 51 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng song cũng bộc lộ những bất cập, trong đó có việc chưa tạo điều kiện pháp lý đầy đủ để triển khai rộng rãi hóa đơn điện tử. Trong khi đó, thương mại điện tử ngày một phát triển mạnh mẽ.
Hóa đơn điện tử (HĐĐT) được áp dụng ở nước ta từ năm 2011 và đem lại nhiều lợi ích như giúp giảm thời gian làm thủ tục thuế, giảm chi phí cho doanh nghiệp đồng thời khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn, gian lận, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn...
Theo số liệu của Tổng Cục thuế, đến hết năm 2016, cả nước đã có 843 doanh nghiệp sử dụng HĐĐT do doanh nghiệp tự phát hành với số lượng hơn 377 triệu hóa đơn; 315 doanh nghiệp sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế với số lượng hơn 2,4 triệu hóa đơn xác thực.
Số doanh nghiệp này tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và là các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, có hạ tầng công nghệ thông tin phát triển.
Nội dung chính sách hóa đơn áp dụng từ 1/1/2018 dự kiến sẽ thay đổi theo hướng mở rộng đối tượng áp dụng HĐĐT, hạn chế sử dụng hóa đơn giấy, giảm thủ tục hành chính khi sử dụng HĐĐT.
Theo đó, doanh nghiệp trước năm 2018 đã sử dụng HĐĐT thì tiếp tục sử dụng HĐĐT đang áp dụng. Tổ chức kinh doanh có mã số thuế trước 2018 sử dụng hóa đơn tự in từ hệ thống máy tính từ ngày 1/7/2018 sẽ sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế hoặc HĐĐT do doanh nghiệp tự phát hành.
Đối với tổ chức kinh tế đang mua hóa đơn của cơ quan thuế, từ ngày 1/7/2018 sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế. Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn đặt in trước 2018 sẽ tiếp tục sử dụng hóa đơn đặt in và Tổng cục Thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế.
Dự thảo Nghị định cũng quy định, định kỳ theo tháng/quý, các doanh nghiệp tự phát hành HĐĐT phải chuyển toàn bộ thông tin của hóa đơn đã sử dụng cùng với việc kê khai thuế giá trị gia tăng điện tử của tháng/quý đó, bỏ mức ngưỡng 200.000 đồng khi áp dụng HĐĐT.
Sẽ có lộ trình phù hợp
Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho rằng, sửa đổi Nghị định 51 là hợp lý và cần thiết. Tuy nhiên, trong lúc chờ Nghị định mới ban hành, nên có văn bản quy định chung về việc sử dụng HĐĐT. Bên cạnh đó, cần có lộ trình sử dụng HĐĐT khả thi cho từng loại doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn.
Đại diện Công ty Tư vấn thuế C&A Đặng Thị Bình An có chung quan điểm khi cho rằng, 90% doanh nghiệp vẫn đang sử dụng hóa đơn đặt in, vì vậy, trước mắt nên khuyến khích doanh nghiệp sử dụng song song cả HĐĐT, hóa đơn giấy và xây dựng lộ trình phù hợp để doanh nghiệp thích ứng với HĐĐT. Bà An cũng nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc lưu trữ hóa đơn và có ứng dụng tra cứu thông tin hóa đơn từ cơ sở dữ liệu.
Các doanh nghiệp tham gia hội thảo cho rằng, khi sửa đổi Nghị định 51 cần lường trước những thay đổi trong tương lai để tránh vừa ban hành lại phải sửa tiếp. Chẳng hạn, đại diện Công ty Viễn thông quân đội (Viettel) đề xuất, Nghị định nên quy định theo hướng mở hơn trong những tình huống doanh nghiệp bị gián đoạn công nghệ thông tin như mất điện... có thể sử dụng hình thức thay thế bằng chứng từ giấy sau đó chuyển lại hệ thống phần mềm...
Một số doanh nghiệp đề xuất hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký và đóng dấu của cả người bán và người mua mà chỉ nên bắt buộc đối với người bán, vì mục đích của hóa đơn điện tử là xác thực với cơ quan thuế còn việc có chữ ký của hai bên nên do doanh nghiệp tự thỏa thuận.
Trả lời những vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế cho biết, không phải doanh nghiệp sẽ áp dụng HĐĐT ngay và luôn tại thời điểm 1/1/2018 mà sẽ chuyển đổi dần. Đối với những doanh nghiệp đang đặt in hóa đơn, trong năm 2018 vẫn tiếp tục sử dụng để tránh lãng phí, sau đó mới chuyển sang HĐĐT.
Bà Hà khẳng định, trước khi áp dụng HĐĐT đại trà, Tổng cục Thuế sẽ có lộ trình chi tiết và hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp. Dự thảo Nghị định cũng đề xuất phương án doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa bàn kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn được miễn phí sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử của cơ quan thuế...