Thương mại điện tử: Giao thoa giữa "ảo" và "thật"
Thương mại điện tử: Giao thoa giữa "ảo" và "thật" Ảnh: ReadyTechGo
Theo số liệu thống kê, tổng các giao dịch mua bán trực tuyến những sản phẩm như trang phục, giày dép và túi xách trong năm 2015 có giá trị lên đến 51,5 tỷ USD. Trong đó, doanh số bán quần áo tăng 19%, nhờ vào sự phổ biến của các thiết bị di động và những phương án giao hàng hợp lý.
Đằng sau những con số ấn tượng này là sự đóng góp của những tiến bộ vượt bậc về công nghệ, mà điển hình là khái niệm rất quen thuộc trí tuệ nhân tạo (AI). Với những sáng tạo mang tính đột phá, AI đang len lỏi vào từng ngõ ngách của thương mại điện tử, giúp hoạt động mua và bán hàng hóa của con người trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn.
Giờ đây, thay vì phải xếp hàng nhiều giờ trong các khu trung tâm thương mại hay các khu chợ, người tiêu dùng có thể chọn mua sản phẩm mà mình mong muốn một cách thông minh và tiện lợi hơn ngay tại nhà với chỉ một cú click chuột.
AI tạo ra nhiều đột phá…
Nếu như trước đây việc phải xử lý những khối dữ liệu khổng lồ đã khiến nhiều nhà khoa học chùn bước thì hiện nay AI đang cho phép họ tạo ra những đột phá, thông qua một thuật ngữ có tên gọi deep learning (học sâu).
Đây là một phạm trù tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến mạng thần kinh nhân tạo nhằm nâng cấp các công nghệ như nhận diện giọng nói, đồ vật, tầm nhìn máy tính và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Những ví dụ tiêu biểu của deep learning có thể kể đến là khả năng tự nhận diện khuôn mặt và sự vật được đăng tải lên Facebook mỗi ngày hay khả năng nhận diện giọng nói của các trợ lý ảo Google Now và Siri.
Trong thương mại điện tử, deep learning cũng đang đóng một vai trò quan trọng trong việc thay đổi về cơ bản cách thức mà con người tương tác với Internet để mua sắm ngày nay.
Một trong những ứng dụng mới đây nhất của deep learning đó là Pinterest Lens, một ứng dụng giống như Shazam, cho phép người dùng tìm kiếm những sản phẩm mà mắt họ nhìn thấy trực tiếp trên Internet bằng cách đưa camera chiếu vào đó. Đây là một công cụ rất cần thiết trong nhiều trường hợp.
Pinterest Lens hoạt động như một camera bên trong app Pinterest, khi bạn chiếu camera về thứ muốn tìm, Lens sẽ dùng trí tuệ nhân tạo để nhận diện và cho bạn biết đó là món đồ gì, đồng thời liệt kê những món đồ giống như vậy.
Ưu điểm của việc dùng trí tuệ nhân tạo là mọi thứ đều hoạt động bằng máy tính và kết quả được trả về rất nhanh chứ không cần dựa trên yếu tố con người.
Sau khi nhận diện xong, bạn có thể tiếp tục lướt xem các ảnh liên quan chỉ bằng cách nhấn vào mỗi từ khóa chứ cũng không cần phải gõ từng từ như trước đây. Việc làm này sẽ giúp mua bán hàng hóa trực tuyến trở nên dễ dàng hơn, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa cái gọi là thế giới "thực" và thế giới "ảo".
Ngoài Pinterest, một số nhà bán lẻ khác cũng đang rất “chịu chơi” để tận dụng deep learning nhằm giúp người mua tìm kiếm sản phẩm mình cần một cách dễ dàng hơn.
Ví dụ như việc hãng bán lẻ Etsy đã mua lại tập đoàn công nghệ Blackbird Technologies vào mùa Thu năm ngoái để sử dụng công nghệ nhận dạng hình ảnh và xử lý ngôn ngữ tự nhiên qua các chức năng tìm kiếm.
… và xa hơn nữa
Andrew Zhai, một kỹ sư của Pinterest, nhận định rằng sự cải tiến về tìm kiếm hàng hóa trực tuyến thậm chí có thể giúp con người tìm ra những sản phẩm mà họ quan tâm nhưng chưa từng được phát kiến.
Ví dụ, hãng Adobe vừa phát triển một công cụ chỉnh sửa hình ảnh có khả năng biến một bản phác thảo thô của một chiếc túi xách, hay một chiếc giày, trở thành một hình ảnh thực thụ và có thể chỉnh sửa dễ dàng dựa trên hệ thống dữ liệu sâu rộng cũng như những hình ảnh tương tự bản phác thảo.
Mô hình siêu thị Amazon Go không cần bất kỳ nhân viên thu ngân. Ảnh: Reuters
Hay như là “gã khổng lồ” về mảng bán lẻ Amazon với mô hình siêu thị Amazon Go không cần bất kỳ nhân viên thu ngân nào. Với Amazon Go, khách hàng có thể lựa chọn những thứ muốn mua và sau đó rời đi mà không cần phải xếp hàng dài chờ thanh toán tại quầy như những siêu thị hay cửa hàng bán lẻ khác.
Amazon sử dụng các cảm biến, camera kết hợp với các thuật toán nhận diện hình ảnh để xác định các sản phẩm cũng như tổng số tiền mà khách đã mua tại cửa hàng, sau đó trừ tiền trên tài khoản trực tuyến Amazon của người dùng.
Amazon Go đầu tiên trên thế giới được giới thiệu vào cuối năm 2016, là một cửa hàng bán lẻ có diện tích gần 200 m2, được xây dựng ngay trong trụ sở chính của công ty ở thành phố Seattle.
Ngoài ra, deep learning cũng đang được sử dụng rất nhiều để tiên đoán về hành vi của con người.
Người tiêu dùng có thể cảm thấy phiền phức với những chiêu thức quảng cáo qua email hay các trang mạng xã hội mỗi lần truy cập Internet khi họ liên tục nhìn thấy những mẩu quảng cáo hiện ra đâu đó trong cửa sổ máy tính, có liên quan đến những sản phẩm được mua hay tìm kiếm trước đó.
Tuy nhiên, đây lại là một phần thiết yếu trong chính sách thúc đẩy bán hàng trực tuyến của các nhà bán lẻ, nhằm “gợi nhớ” lại những sản phẩm mà người dùng đã tìm kiếm, nhưng vì một lý do nào đó chưa quyết định mua, hoặc để giới thiệu sản phẩm của mình nhằm “cướp” khách hàng từ tay nhà cung cấp khác.
Có thể nói, AI đã mở ra một chương mới trong mua sắm hàng hóa trực tuyến. Theo hãng nghiên cứu Garner, đến năm 2020, 85% tương tác của khách hàng sẽ được xử lý mà không cần đến sự can thiệp của con người. Với AI, những quy trình mua sắm truyền thống mất hàng nhiều giờ, thậm chí là nhiều ngày, sẽ không còn nữa mà thay vào đó sẽ được tự động hóa một cách tối đa.
Sự tương tác của AI đối với người dùng không chỉ dừng lại ở khả năng tìm kiếm sản phẩm hay so sánh giá cả “trong nháy mắt”, mà còn được mở rộng ra những phạm vi phức tạp hơn như khả năng theo dõi và phân tích hành vi của người dùng để đưa ra những gợi ý, lựa chọn phù hợp nhất.