Gấp rút hoàn thiện Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số
Ngày 09/8/2017, Bộ TT&TT đã tổ chức họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 26/2007/NĐ-CP. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Ban soạn thảo đã chủ trì phiên họp.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng chủ trì phiên họp
Để hướng dẫn thi hành Luật giao dịch điện tử năm 2005, ngày 15/2/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về CKS và dịch vụ chứng thực CKS (sau đây gọi tắt là "Nghị định 26"). Nghị định 26 đã được sửa đổi, bổ sung hai lần vào các năm 2011 và 2013.
Sau 10 năm triển khai Nghị định 26, để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn trong quá trình quản lý các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS cũng như phù hợp xu thế phát triển của thị trường, công nghệ đang phát triển nhanh, Bộ TT&TT trong thời gian qua đã chủ trì xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 26/2007/NĐ-CP ngày 15/2/2007 quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về CKS và dịch vụ chứng thực CKS và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 26.
Tại phiên họp ngày 09/8/2017, Ban soạn thảo và Tổ biên tập đã có nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 26/2007/NĐ-CP. Theo đó, Dự thảo Nghị định gồm 4 phần, 12 chương và 113 Điều, quy định chi tiết về CKS và chứng thư số; việc quản lý, cung cấp và sử dụng CKS, dịch vụ chứng thực CKS; phát triển ứng dụng sử dụng CKS.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS; cơ quan, tổ chức phát triển ứng dụng sử dụng CKS; cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng CKS và dịch vụ chứng thực CKS trong giao dịch điện tử.
Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia - Bộ TT&TT, Tổ trưởng Tổ biên tập Nghị định thay thế Nghị định 26/2007/NĐ-CP đã cho biết một số điểm mới của Dự thảo Nghị định. Cụ thể, về nội dung quản lý nhà nước về dịch vụ chứng thực CKS của Ban Cơ yếu chính phủ, theo dự thảo mới, Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước đối với dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng cho cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của pháp luật.
Về giá trị pháp lý của CKS, theo Dự thảo mới, trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp đó được ký bằng CKS. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan, tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp đó được ký bởi CKS của cơ quan, tổ chức và CKS đó được đảm bảo an toàn theo quy định của Nghị định này.
Về điều kiện cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng, theo dự thảo Nghị định mới, dịch vụ chứng thực CKS công cộng phải đáp ứng các điều kiện về tài chính, bao gồm việc phải có giấy bảo lãnh của một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam để giải quyết các rủi ro và các khoản đền bù có thể xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ do lỗi của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng (thuê bao không ký được, thuê bao ký được nhưng không xác thực được, kết quả xác thực CKS của thuê bao không chính xác, chi phí phát sinh khi có lỗi sử dụng CKS của thuê bao…) và thanh toán chi phí tiếp nhận và duy trì cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi giấy phép.
Để được cấp phép, tổ chức xin cấp phép phải có đội ngũ nhân viên quản lý, nhân viên kỹ thuật, điều hành, quản lý an ninh và dịch vụ khách hàng đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, quy mô triển khai dịch vụ và chưa từng bị kết án.
Nhiều thành viên của Ban soạn thào và Tổ biên tập nhận định, Nghị định 26/2007/NĐ-CP quy định điều kiện cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng còn khá dễ dàng. Thực tế, việc có 8 doanh nghiệp CA công cộng cung cấp dịch vụ cho một thị trường khoảng 800.000 khách hàng dẫn đến cạnh tranh rất gay gắt giữa các doanh nghiệp CA và giữa các đại lý của doanh nghiệp CA. Ngoài ra, đội ngũ kỹ thuật của các doanh nghiệp CA còn ít và không ổn định, dẫn đến gặp khó khăn khi giải quyết các sự cố.
Về đối tượng sử dụng chứng thư số nước ngoài tại Việt Nam, dự thảo nêu rõ: tổ chức, cá nhân nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam; tổ chức cá nhân Việt Nam có nhu cầu giao dịch với các đối tác nước ngoài hoặc có nhu cầu sử dụng chứng thư số cho máy chủ, cho phần mềm mà chứng thư số của các tổ chức cung cấp dịch vụ CKS trong nước chưa được công nhận.
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT cho biết, Tổ Biên tập mà Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia làm thường trực, trong thời gian qua đã làm việc rất tích cực và hiệu quả để đưa ra được Dự thảo Nghị định lần thứ 2.
Ông Phúc cũng đánh giá cao việc Ban soạn thảo nhất trí về nội dung giá trị pháp lý của CKS của Dự thảo, Ban soạn thảo đồng thuận CKS của người có thẩm quyền có thể thay thế được con dấu của cơ quan. Tuy nhiên, các cơ quan, tổ chức có thể đóng góp thêm ý kiến cho nội dung này.
Việc xây dựng Nghị định còn hướng đến mục tiêu khuyến khích, đẩy mạnh sử dụng CKS và dịch vụ chứng thực CKS trong các giao dịch điện tử nhằm tăng cường đảm bảo an toàn cho các giao dịch, góp phần thúc đẩy chính phủ điện tử và thương mại điện tử.
Nhà nước thúc đẩy việc ứng dụng CKS và phát triển dịch vụ chứng thực CKS thông qua những dự án trọng điểm nhằm nâng cao nhận thức; phổ biến pháp luật; phát triển ứng dụng; tổ chức đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu, hợp tác và chuyển giao công nghệ liên quan đến CKS và dịch vụ chứng thực CKS; hỗ trợ người dân sử dụng CKS.
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã nhấn mạnh, tất cả các điều khoản liên quan đến cấp phép sẽ tuân theo quy định chung của nhà nước, các quy định về thời gian cấp phép phải phù hợp với thực tiễn và cải cách hành chính. Nội dung liên quan đến xử phạt hành chính trong lĩnh vực này sẽ được đưa vào Nghị định mới thay thế Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện. Ngoài ra, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia cũng phải rà soát Dự thảo Nghị định để dự kiến có bao nhiêu văn bản hướng dẫn của Bộ TT&TT cho Nghị định sau khi Nghị định được ban hành.
Thứ trưởng cũng giao Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Cục Tin học hóa, Vụ CNTT, Thanh tra Bộ, Cục An toàn thông tin, Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ Pháp chế khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định trước khi gửi lấy ý kiến các Bộ ngành trong trung tuần tháng 8.