Bài toán khó cho thương mại điện tử Việt
Shopee là nền tảng thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á, có trụ sở chính tại Singapore, ra đời vào năm 2015. Hiện có hơn 40 triệu lượt tải ứng dụng, tổng giá trị hàng hóa 3 tỷ USD.
Đơn vị này gia nhập thị trường thương mại điện tử Việt Nam một năm, hoạt động khả quan. Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam chia sẻ cơ hội, thách thức khi kinh doanh tại thị trường hơn 90 triệu dân.
- Một số doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử sau thời gian ngắn đã đóng cửa hay bị thôn tính, theo ông, lý do chính là gì?
- Tôi cho rằng câu chuyện kinh doanh thành bại đều tuân theo quy luật thị trường và bất cứ ngành nào cũng chịu tác động như nhau. Với một doanh nghiệp, điều quan trọng đầu tiên là phải cung ứng được sản phẩm mà thị trường đang cần. Nếu giải sai bài toán thì thị trường đào thải đó là điều đương nhiên.
Thương mại điện tử ở Việt Nam không phải quá mới. Một số doanh nghiệp cũng đã hoạt động mười mấy năm. Câu hỏi đặt ra là lúc nào thị trường bùng nổ. Ở nhiều quốc gia khác, ví dụ Mỹ hay gần đây nhất là Trung Quốc thì họ bị mất thời gian khá lâu mới bứt phá.
Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam. |
- Ông đánh giá thế nào về thị trường thương mại điện tử Việt Nam?
- Một thị trường thương mại điện tử phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất là thị trường đó có đủ lớn hay không. Yếu tố thứ hai là người tiêu dùng có thể tiếp cận được với thương mại điện tử hay không. Cả hai yếu tố này ở Việt Nam đều đang có đủ.
Yếu tố cuối cùng cũng quan trọng không kém là hệ sinh thái của thương mại điện tử như vận chuyển, giao hàng, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ…
Tôi cho rằng hiện là thời điểm chín muồi của thương mại điện tử ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có những thách thức mà doanh nghiệp cần phải vượt qua, đặc biệt là vấn đề niềm tin của người tiêu dùng.
- Ông giải bài toán niềm tin của người tiêu dùng ra sao?
- Câu chuyện niềm tin người tiêu dùng không chỉ là bài toán nan giải của riêng thương mại điện tử. Bạn có thể thấy ở ngoài chợ, đôi khi có những người ngồi bán sản phẩm nào đó dù quán rất xập xệ, giá bán không rẻ nhưng vẫn đắt hàng. Người tiêu dùng Việt Nam đang giải bài toán niềm tin của họ theo thói quen và trên sàn giao dịch thương mại điện tử, họ cũng có xu hướng như vậy.
Tuy nhiên, không riêng ở nước ta, trên thế giới, cuộc chiến giành niềm tin của người tiêu dùng từng xảy ra ở rất nhiều thị trường, kể cả ở những quốc gia phát triển và với những tên tuổi lớn như Amazon. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều về quy cách, quy trình dịch vụ và hiểu khách hàng mong muốn gì.
Tôi cho rằng, để giải quyết bài toán niềm tin, quan trọng phải có cơ chế để người mua đánh giá được người bán. Ví dụ khách hàng mua một sản phẩm nhưng không hài lòng, họ phải được quyền đánh giá chất lượng và dịch vụ trên hệ thống. Chỉ cần vài phản hồi không tốt thì không ai muốn mua hàng của người đó nữa. Với cách làm này, người kinh doanh muốn bán được hàng cần phải đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Ở ngoài chợ có rất nhiều người bán không lịch sự, trên chợ thương mại điện tử cũng như vậy. Doanh nghiệp phải làm sao để loại những thành phần không tốt đó, thúc đẩy nhân tố tốt phát triển. Muốn vậy cần đầu tư cho đội quản lý chất lượng, ghi nhận phản hồi của khách hàng…
- Đâu là cách thức hữu hiệu thu hút nhiều người tham gia bán hàng qua hình thức thương mại điện tử?
- Bán hàng trên mạng xã hội có lợi thế là người bán dễ mở shop, tính tương tác tốt. Tuy nhiên, doanh thu sẽ khó phát triển nhanh, khó quản lý đơn hàng, dòng tiền. Họ có thể gặp bất lợi là bán hàng rồi liệu thu tiền về được hay không.
Còn khi kinh doanh thông qua sàn, website thương mại điện tử, việc quản lý dễ dàng hơn, tính năng đầy đủ. Đây còn là nơi trung gian giúp họ vận chuyển, giao hàng, thu tiền, tránh rủi ro khi giao dịch. Những chức năng quản lý đơn hàng trong thương mại điện tử cũng tích hợp sẵn nên khi doanh thu tăng mạnh, người bán không gặp khó khăn trong xử lý số liệu. Họ chỉ cần tập trung trả lời khách hàng nhanh mà không phải lo những công đoạn khác trong bán hàng.
- Một số sàn thương mại điện tử kinh doanh khá thành công ở Việt Nam, là đơn vị đến sau, lợi thế cạnh tranh của ông là gì?
- Một trong những khác biệt quan trọng chúng tôi muốn mang đến là giúp người mua có thể tương tác với người bán. Đơn cử khi mua mỹ phẩm, người mua thường muốn trao đổi nhiều với người bán xem sản phẩm đó có hợp với làn da của mình hay không, đó là màu đỏ hay hồng? Khi muốn có sản phẩm bạn sẽ đặt ra rất nhiều câu hỏi. Và Shopee đáp ứng người mua những nhu cầu đó.
Một yếu tố quan trọng nữa là việc thanh toán. Không giống với thị trường khác, người Việt chuộng thanh toán khi nhận hàng. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải hiểu rõ thói quen người dùng, từ đó làm việc với bên vận chuyển để đảm bảo khách hàng sẽ được phục vụ theo đúng yêu cầu và sở thích của họ.
- Thành công lớn nhất sau một năm kinh doanh tại thị trường Việt của ông?
- Chúng tôi đạt được những kết quả vượt kỳ vọng với số đơn hàng tăng gấp năm lần. Hiện tại có năm triệu lượt tải ứng dụng di động và lượng người bán hàng gấp ba lần so với năm ngoái. Những con số này cho thấy thị trường có tiềm năng và có vẻ cách tiếp cận của chúng tôi là phù hợp.