Đề xuất 9 bước đánh giá tác động của biến đổi khí hậu
Trong dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất trình tự đánh giá tác động của biến đổi khí hậu gồm 9 bước.
Trong đó, bước 1: Xác định phạm vi đánh giá: Phạm vi không gian được xác định theo phạm vi đánh giá tác động; phạm vi thời gian được xác định là giai đoạn thực hiện đánh giá, bao gồm giai đoạn quá khứ và giai đoạn tương lai - Giai đoạn quá khứ tính từ thời điểm đánh giá đến một mốc thời gian xác định trong quá khứ và giai đoạn tương lai tính từ thời điểm đánh giá đến các mốc thời gian xác định trong tương lai.
Bước 2: Xác định đối tượng đánh giá: Trong phạm vi đánh giá, xác định các đối tượng sẽ thực hiện đánh giá, gồm: Các đối tượng thuộc hệ thống tự nhiên gồm tài nguyên nước, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên biển, đảo và các tài nguyên, yếu tố môi trường khác; các đối tượng thuộc hệ thống kinh tế gồm hoạt động sản xuất và dịch vụ, cơ sở hạ tầng thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng và đô thị, công nghiệp, năng lượng, thông tin và truyền thông, du lịch, thương mại và dịch vụ và các hoạt động khác; các đối tượng thuộc hệ thống xã hội và cộng đồng dân cư gồm phân bố dân cư, nhà ở và điều kiện sống, y tế, sức khỏe, văn hóa, giáo dục, giới, đối tượng dễ bị tổn thương và giảm nghèo.
Bước 3: Phân tích kịch bản biến đổi khí hậu: Trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, căn cứ phạm vi và đối tượng đánh giá đã được xác định, thực hiện. Bổ sung, chi tiết hóa kịch bản biến đổi khí hậu đáp ứng yêu cầu về thông tin, dữ liệu phù hợp với phạm vi và đối tượng đánh giá; phân tích các đặc trưng, xu hướng của thay đổi khí hậu; xác định, phân tích các yếu tố khí hậu quan trọng đối với đối tượng đánh giá; tính toán bổ sung các thông số liên quan khác phục vụ đánh giá.
Bước 4: Phân tích các chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã được phê duyệt và các nghiên cứu, dự báo phát triển kinh tế-xã hội; xác định kịch bản phát triển theo các mốc thời gian đánh giá để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu.
Bước 5: Lựa chọn phương pháp đánh giá: Dự thảo nêu rõ các phương pháp sau:
1- Phương pháp xác định tác động của biến đổi khí hậu, gồm phương pháp định lượng: Thống kê thực nghiệm, mô hình dự báo, chồng xếp bản đồ; phương pháp định tính: Ma trận đánh giá, điều tra phỏng vấn, phương pháp chuyên gia, đánh giá có sự tham gia.
2- Phương pháp xác định tính dễ bị tổn thương, rủi ro do biến đổi khí hậu, gồm phương pháp chuyên gia, thống kê thực nghiệm, mô hình dự báo, chồng xếp bản đồ.
3- Phương pháp xác định tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu, gồm: Phương pháp xác định tổn thất và thiệt hại về kinh tế: Phương pháp thống kê, phương pháp dựa vào chi phí, giá thị trường, phân tích chi phí lợi ích, điều tra và khảo sát; phương pháp xác định tổn thất và thiệt hại phi kinh tế: Phương pháp mô hình dự báo, phương pháp phân tích chỉ số rủi ro tổng hợp, điều tra, đánh giá có sự tham gia.
Dự thảo nêu rõ, việc lựa chọn phương pháp đánh giá dựa trên các căn cứ: Mức độ phù hợp với đối tượng và phạm vi đánh giá; khả năng đáp ứng các yêu cầu thông tin và mức độ sẵn có của dữ liệu; ưu tiên sử dụng phương pháp có độ tin cậy cao.
Bước 6: Xác định tác động của biến đổi khí hậu: Nhận diện, sàng lọc và xác định các loại tác động của biến đổi khí hậu dựa trên các đối tượng đánh giá, kịch bản biến đổi khí hậu và kịch bản phát triển. Các tác động cần phân tích gồm các tác động tích cực hoặc tiêu cực, trực tiếp và gián tiếp của biến đổi khí hậu.
Điều tra, thu thập, tổng hợp các thông tin phục vụ việc xác định tác động của biến đổi khí hậu trong quá khứ, tương lai… Phân tích, xác định tác động tích cực, tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với các đối tượng đánh giá (hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội).
Bước 7: Xác định tính dễ bị tổn thương, rủi ro do biến đổi khí hậu: Xác định các nguy cơ đối với đối tượng đánh giá dựa trên kết quả xác định tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Lựa chọn các chỉ số phản ánh mức độ nhạy cảm, khả năng thích ứng, hiểm họa và mức độ phơi bày phù hợp với phạm vi và đối tượng đánh giá. Các chỉ số lựa chọn cần dựa trên các tiêu chí: Phù hợp với phạm vi không gian và thời gian đánh giá, có tính đại diện và khả thi.
Bước 8: Xác định tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu: Xác định các chỉ số tổn thất và thiệt hại về kinh tế và phi kinh tế đối với hệ thống tự nhiên và kinh tế-xã hội. Chỉ số tổn thất và thiệt hại về kinh tế và phi kinh tế được xác định dựa trên nguyên tắc: Tổn thất và thiệt hại có thể nhận diện, mang tính trực tiếp và đo đếm một cách rõ ràng về khối lượng và mức độ tổn thất và thiệt hại.
Điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu về tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu trong quá khứ (tối thiểu 5 năm trước thời điểm đánh giá). Các thông tin, dữ liệu điều tra, thu thập, gồm thời gian xảy ra, khối lượng, quy mô, mức độ, chi phí khắc phục và các thông tin khác…
Bước 9: Xây dựng và hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu theo quy định.
Chi tiết Dự thảo xin vui lòng xem tại đây.