Chủ động chuyển đổi xanh, bền vững - Cơ hội cho doanh nghiệp thâm nhập thị trường, tăng cường xuất khẩu sang EU
Thỏa thuận Xanh (EGD) là gói các sáng kiến chính sách khung của EU nhằm mục tiêu xây dựng EU thành khu vực trung hòa về phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát triển kinh tế. Việc EU từng bước thực thi các mục tiêu trong Thỏa thuận Xanh sẽ có tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh doanh trên hoặc với thị trường EU, trong đó có hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào thị trường này.
Thông tin tại Hội thảo "Thoả thuận Xanh EU tác động tới xuất khẩu của Việt Nam: Những điều doanh nghiệp cần biết" được tổ chức ngày 16/11,ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI, "Chuyển đổi xanh" đang là xu hướng tất yếu toàn cầu. Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là một trong những khu vực tích cực nhất trên thế giới trong nỗ lực theo đuổi xu thế này, đặc biệt là với việc thông qua và triển khai Thỏa thuận Xanh EU (European Green Deal) từ đầu năm 2020.
Đây là chương trình tổng thể và dài hạn của EU nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050 với các gói sáng kiến chính sách khung của EU nhằm mục tiêu xây dựng EU thành khu vực trung hòa về phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát triển kinh tế.
EGD đã được thông qua ngày 15/1/2020, định hình chiến lược của EU để đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (trung hòa về phát thải) và trở thành khu vực kinh tế sử dụng ít nhất các nguồn lực tự nhiên vào năm 2050. Chỉ trong chưa đầy 4 năm triển khai EGD, EU đã có nhiều chính sách xanh có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này.
Một khảo sát nhanh do Trung tâm WTO và Hội nhập thực hiện vào tháng 8/2023 cho thấy có tới 88-93% số người được hỏi chưa từng biết đến hoặc chỉ nghe nói sơ qua tới EGD hoặc các chính sách xanh nổi bật của EU liên quan tới xuất khẩu của Việt Nam.
Đặc biệt, tỷ lệ các doanh nhân, cán bộ nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp biết rõ về Thỏa thuận Xanh EU chỉ ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với các nhóm tham gia khảo sát khác (8-12%). Có tới 88-93% số người được hỏi chưa từng biết đến hoặc chỉ nghe nói sơ qua tới EGD hoặc các chính sách xanh nổi bật của EU liên quan tới xuất khẩu của Việt Nam.
Vì thế, theo các chuyên gia, điều cần làm là các doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu về EGD để nhận biết, nắm bắt chính xác và thường xuyên cập nhật về các chính sách xanh cụ thể của EU có liên quan tới từng loại sản phẩm xuất khẩu.
Mặc dù trước mắt các chính sách xanh của EU đặt ra những thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam, nhưng trong lâu dài, việc thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện có thể mang lại những cơ hội nhất định cho doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, theo rà soát của VCCI, EU đã ban hành gần 60 hành động để thực thi Thỏa thuận Xanh. Theo đó, những quy định của EU sẽ có tác động tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trên ba góc độ chính.
Trước hết là làm gia tăng tiêu chuẩn xanh đối với các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU. Thứ hai là làm gia tăng trách nhiệm tài chính xanh của một số nhà sản xuất liên quan đến những sản phẩm có khả năng gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất khi nhập khẩu vào EU. Thứ ba, làm tăng trách nhiệm giải trình về nguồn gốc sản phẩm cũng như các yêu cầu liên quan đến tác động môi trường của quá trình sản xuất, sử dụng và thải bỏ sản phẩm.
Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chuẩn bị thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện có thể mang lại những cơ hội nhất định cho doanh nghiệp. Đây là cách thức tốt nhất để doanh nghiệp có thể đi trước một bước, tiếp cận sớm thị trường các sản phẩm xanh đầy tiềm năng của EU với tệp khách hàng có ý thức tiêu dùng xanh đang gia tăng mạnh mẽ của khu vực này.
Đồng thời, việc thích ứng sớm với các yêu cầu xanh ở EU cũng mang đến sự bảo đảm nhất định cho khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp đi các thị trường phát triển khác vốn cũng đang thúc đẩy các hành động nhằm thực hiện các mục tiêu khí hậu tương tự EU (như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Australia…).
Ngoài các giải pháp chung cho tất cả các ngành bị ảnh hưởng bởi EGD, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản thực phẩm và dệt may Việt Nam sang EU được khuyến nghị cần quan tâm theo dõi sát xu hướng xanh ở EU, đặc biệt là các chính sách, quy định pháp luật cụ thể triển khai Chiến lược “Từ trang trại tới bàn ăn” (F2F) và Chiến lược Dệt may tuần hoàn và bền vững của EU.
Chủ động, phối hợp chặt chẽ với khách hàng và các đơn vị liên quan trong cập nhật quá trình soạn thảo, thông qua và áp dụng các tiêu chuẩn, quy định xanh cụ thể liên quan tới sản phẩm của mình và có hành động chuẩn bị phù hợp, chủ động và tích cực để sẵn sàng tuân thủ.
Với riêng ngành dệt may, ngoài các yêu cầu từ EGD, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh của riêng mình ngay từ bây giờ nhằm đáp ứng theo lộ trình hợp lý các yêu cầu xanh từ phía người tiêu dùng và khách hàng, từ đó, bảo đảm khả năng duy trì thị trường xuất khẩu một cách bền vững.