Việt Nam đang bắt kịp đà tăng chỉ số đổi mới sáng tạo của thế giới
Các chuyên gia của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) nhận định, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vô cùng phức tạp và có nhiều tác động khó lường, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu là một nỗ lực rất lớn.
Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo Chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) năm 2021 và Kết quả của Việt Nam được tổ chức trực tuyến mới đây tại Hà Nội.
Theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, trong bảng xếp hạng GII 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế (so với thứ hạng 42 năm 2019 và năm 2020) sau khi WIPO đã cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020). Mặc dù Việt Nam giữ nguyên vị trí xếp hạng về đầu ra ĐMST (thứ hạng 38) và tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào ĐMST tăng 02 bậc (từ 62 lên 60) so với năm 2020, nhưng giá trị GDP mới, lớn hơn đã điều chỉnh lại thứ hạng của Việt Nam do nhiều chỉ số thành phần được tính dựa trên tổng giá trị chia GDP (có 27 chỉ số trên tổng số 81 chỉ số sử dụng GDP để tính toán, trong đó 24 chỉ số sử dụng GDP làm mẫu số).
Trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được đưa vào danh sách xếp hạng GII năm 2021, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu. Việt Nam tiếp tục duy trì xếp hạng trong nhóm 45 quốc gia dẫn đầu toàn cầu. Trong các quốc gia xếp trên Việt Nam năm 2021, không có quốc gia nào ở mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, chỉ có 5 quốc gia ở mức thu nhập trung bình cao (Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Bungari và Thổ Nhĩ Kỳ), còn lại đều là các quốc gia/nền kinh tế phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao.
Theo đánh giá của WIPO năm 2021, chỉ số GII của Việt Nam có kết quả nổi bật về Trình độ phát triển của thị trường, xếp hạng 22, tăng 12 bậc từ vị trí 34 năm 2020 – thứ hạng cao nhất từ trước tới nay của Việt Nam đối với trụ cột này. Đây cũng là trụ cột có thứ hạng cao nhất trong 07 trụ cột của GII. Trong đó, tiến bộ mạnh mẽ nhất là nhóm chỉ số về chỉ số về Thương mại, đa dạng hóa và quy mô thị trường đã tăng 34 bậc, từ thứ hạng 49 lên 15 – cũng là thứ hạng tốt nhất từ trước tới nay của nhóm chỉ số này. Đặc biệt, chỉ số mới được sử dụng trong GII 2021 là Đa dạng hóa các ngành trong nước (thay thế cho chỉ số Mức cạnh tranh trong nước) có thứ hạng cao, xếp hạng 9.
Trong nhóm chỉ số về Liên kết ĐMST, chỉ số Hợp tác đại học - doanh nghiệp trong nghiên cứu và phát triển tăng 31 bậc (từ hạng 65 lên 34). Chỉ số Quy mô phát triển cụm công nghiệp tăng 25 bậc (từ hạng 42 lên 17). Các chính sách, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ ĐMST, thúc đẩy hợp tác giữa khu vực doanh nghiệp và viện trường, phát triển các khu công nghiệp, kinh tế, khu công nghệ cao và các cụm công nghiệp nhỏ đã được phát huy, nhờ đó nhóm chỉ số Liên kết ĐMST đã được cải thiện tích cực nhất từ trước tới giờ, tăng 17 bậc (từ hạng 75 lên 58).
Theo nhận xét của các chuyên gia WIPO, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vô cùng phức tạp và có nhiều tác động khó lường đoán, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và ĐMST trên toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu là một nỗ lực rất lớn. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cũng như sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, chỉ số GII của Việt Nam giữ vững được vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp trong những năm qua.
Theo đánh giá của WIPO, điểm số 7 trụ cột GII của Việt Nam đều cao hơn mức trung bình của nhóm các nước cùng nhóm thu nhập và trong hơn 10 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả ĐMST cao hơn so với mức độ phát triển của mình, cho thấy hiệu quả của Việt Nam trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra ĐMST.
Ông Marco M. Aleman - Trưởng cơ quan Hệ sinh thái ĐMST và SHTT, Trợ lý - Đặc phái viên Tổng Giám đốc WIPO ghi nhận: “Việt Nam tiếp tục là tấm gương cho các nước đang phát triển khác trong việc coi ĐMST là một ưu tiên quốc gia. Việc Chính phủ sử dụng GII như một công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động ĐMST của quốc gia là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của ĐMST đối với sự phát triển quốc gia. Các quốc gia khác đang học hỏi từ Việt Nam về cách sử dụng GII một cách có hệ thống để đánh giá những thay đổi về kết quả hoạt động ĐMST ở cấp độ cao nhất”.
Theo các chuyên gia, để có thể tiếp tục cải thiện nâng cao năng lực ĐMST một cách bền vững, đòi hỏi phải có các giải pháp căn cơ, lâu dài, có sự tham gia phối hợp của cả hệ thống chính trị mà trọng tâm là đưa hệ thống ĐMST quốc gia lên một tầm mức phát triển mới, trong đó KH,CN&ĐMST thực sự trở thành trụ cột của tăng trưởng kinh tế.