Tiềm lực khoa học công nghệ được củng cố
Theo đánh giá của chuyên gia, nhiều năm qua Việt Nam luôn đề cao các chủ chương, chính sách thúc đẩy thị trường khoa học - công nghệ (KH&CN). Nhờ đó, KH&CN đang từng bước phát triển, đóng góp ngày càng lớn vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước.
TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - khẳng định: Thời gian qua, KH&CN đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... Bên cạnh đó, tiềm lực KH&CN quốc gia được củng cố, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng và địa phương, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KH&CN trong từng giai đoạn.
KH&CN đóng góp tích cực vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp
“Những năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức tương đối cao so với các nước trong khu vực và thế giới, đồng thời huy động các nguồn lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng, đã dần dựa trên KH&CN và đổi mới sáng tạo” - TS. Phạm Văn Tân khẳng định.
Đưa ra dẫn chứng, TS. Phạm Văn Tân nêu: Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 46,11%, tính cả giai đoạn 2016-2019 là 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% giai đoạn 2011-2015; tốc độ tăng năng suất lao động tăng 6,2%... Bên cạnh đó, theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 (GII 2020), Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng cao, đứng thứ 42 trên 131 quốc gia/nền kinh tế, tiếp tục dẫn đầu trong nhóm các quốc gia có cùng mức thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 ở Đông Nam Á.
Đặc biệt, KH&CN đã vào cuộc với tinh thần chủ động, kịp thời và trách nhiệm, qua đó đóng góp hiệu quả vào việc phòng, chống dịch Covid-19. Nổi bật là: Chế tạo thành công bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và có năng lực xuất khẩu…
Đồng quan điểm, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) - nhận định: KH&CN đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế và khoa học của đất nước. Cụ thể, giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp (SXCN) luôn tăng trưởng, ngành SXCN đã sản xuất được nhiều mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, trong đó một số ngành đã chủ động đổi mới công nghệ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Cùng với đó, đầu tư vào SXCN công nghệ tiên tiến tăng ở khu vực kinh tế có vốn nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân, trong đó tỷ trọng các doanh nghiệp (DN) có quy mô vừa đang đóng góp ngày càng nhiều vào phát triển công nghiệp; chất lượng và số lượng lao động KH&CN qua đào tạo cũng được nâng lên, đáp ứng từng bước nhu cầu thực tế đòi hỏi đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, máy tính, điện thoại di động và một số ngành sản xuất khác.
Tuy nhiên TS. Tô Hoài Nam đề nghị: Thời gian tới, Bộ KH&CN cần kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét việc “mở kho” KH&CN - nơi lưu giữ nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam để các DN trong nước khai thác sử dụng. Đồng thời, tập trung hình thành thị trường KH&CN với các chủ thể cung ứng đa dạng và cạnh tranh; khuyến khích, tạo cơ hội cho các DN tư nhân tiếp cận nguồn chi nhà nước cho KH&CN thông qua áp dụng cơ chế cạnh tranh trong tuyển chọn dự án nghiên cứu của nhà nước.
Thời gian qua, nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong hỗ trợ DN cải tiến năng suất, chất lượng, cải tiến áp dụng công nghệ tiên tiến, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt, giúp DN nhỏ và vừa nâng cao trình độ quản trị, hiệu quả hoạt động. |
Nguồn: Copy link