TOMECO An Khang: Cải tiến nhỏ, hiệu quả lớn
Công ty CP TOMECO An Khang (Nhà máy sản xuất của Công ty CP Cơ Điện TOMECO) là một Công ty có truyền thống hoạt động lâu năm, hoạt động chủ yếu hiện nay là thiết kế, chế tạo quạt công nghiệp và thiết bị xử lý môi trường.
Từ 2012 TOMECO đã được nâng cấp và trang bị đầy đủ trang thiết bị tiên tiến và hiện đại. Công ty có hàng trăm lao động và duy trì một tổ chức công đoàn hoạt động vững mạnh với nhiều thành tích được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khen thưởng. Sản phẩm của Công ty bán rộng rãi trên toàn quốc và xuất khẩu sang Úc, Hoa kỳ và các nước phát triển khác.
Những năm gần đây, doanh số bán hàng của TOMECO An Khang có mức tăng trưởng vượt bậc. Có được kết quả này là nhờ Công ty liên tục đẩy mạnh các sáng kiến cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Trong 5 năm gần đây, Công ty đã có 15 nhóm cải tiến và áp dụng đồng thời các công cụ cải tiến và tiêu chuẩn quốc tế như 5S, Kaizen, TPM, ISO 9001, ISO 140001…
Không chỉ vậy, Công ty đã chú trọng công tác tổ chức, huấn luyện, đào tạo về áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Cụ thể, trong 3 năm trở lại đây, Công ty đã tổ chức đào tạo, mở lớp học nhiều lớp học hàng năm để phổ biến về mô hình quản lý tinh gọn LEAN, TPM…
Dự án Cải tiến nâng cao năng suất-Chia sẻ bài học từ những cải tiến nhỏ của Công ty Cổ phần TOMECO An Khang là một trong 12 nhóm vào Vòng Chung kết Cuộc thi Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020.
Đặc biệt, trong năm 2020, TOMECO An Khang đã bắt tay triển khai thực hiện Dự án cải tiến năng suất - Chia sẻ bài học từ những cải tiến nhỏ. Chia sẻ với người viết, đại diện Nhóm cải tiến cho hay, trước đây, trong quá trình sản xuất kinh doanh còn nhiều tồn tại trên mặt bằng như: quãng đường di chuyển xa, mặt bằng bừa bộn, không kiểm soát được tôn thừa..
Đây là vấn đề tồn tại quá lâu, nếu giải quyết được sẽ tạo động lực và thay đổi mạnh về mặt nhận thức cho cán bộ, công nhân viên, đại diện Nhóm cải tiến chia sẻ.
Do vậy, để cải thiện, khắc phục những nhược điểm trên, Nhóm đã nghiên cứu, triển khai Dự án cải tiến năng suất - Chia sẻ bài học từ những cải tiến nhỏ hướng đến 3 mục tiêu chính: Tăng năng suất tổ phôi tối thiểu 10%; Diện tích mặt bằng tiết kiệm được tối thiểu 5% và Tỷ lệ phế phẩm (sắt vụn) giảm tối thiểu 2%.
Sau thời gian triển khai Nhóm cải tiến nâng cao năng suất - Chia sẻ bài học từ những cải tiến nhỏ của Công ty CP TOMECO An Khang đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, giảm được hơn 50% quãng đường di chuyển của nguyên vật liệu (Tổng quãng đường của 1 lượt di chuyển giảm từ 120m xuống còn 45m), giảm việc tìm kiếm phôi, đề xê;
Cùng với đó, tăng 20% năng suất lao động. Giảm tổng nhân sự công đoạn chế tạo phôi từ 5 người trước cải tiến xuống còn 4 người sau cải tiến, do layout lại mặt bằng, máy cắt tôn được di chuyển gần về khu vực máy cắt Lazer nên chỉ cần 1 người phụ cho cả 2 máy thay về mỗi máy 1 người phụ.
Đối với các loại Đề xê đang chờ tận dụng, Công ty đã giảm 3% tỷ lên sắt vụn tương đương tiết kiệm 116.732.000 đồng trong 9 tháng đầu năm 2020 so với 9 tháng đầu năm 2019. Do phân loại và tận dụng được đề xê nên tỷ lệ sắt vụn/tổng thép giảm.
Đồng thời, sáng kiến cải tiến còn giảm thời gian kiểm kê kho từ 1 tuần xuống không cần kiểm kê.
Đại diện Nhóm cải tiến còn cho biết, dù là những sáng kiến nhỏ, nhưng hiệu quả vô cùng lớn. Thông qua Dự án cải tiến lần này, vấn đề về tài chính của Công ty cũng được tháo gỡ một phần nhỏ, trong việc giảm nhân công; tiết kiệm được chi phí mặt bằng. Cùng với đó, cải thiện vấn đề an toàn và môi trường lao động; Giảm các sai lỗi phát sinh do chủ quan; Nâng cao nhận thức của người lao động; Làm bàn đạp để triển khai tiếp các dự án khác ở các khu vực khác; Làm nền tảng cho việc áp dụng phần mềm vào kiểm soát.
Có được kết quả này, đại diện Nhóm cải tiến chia sẻ, cần sự tham gia của toàn thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên; đặc biệt nhóm cần có kế hoạch phân bổ và sử dụng nguồn lực hợp lý; cần theo dõi, đánh giá và rút kinh nghiệm thường xuyên trong suốt quá trình triển khai dự án.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, để có thể tồn tại và phát triển đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường. Muốn làm được điều đó, doanh nghiệp không còn con đường nào khác ngoài liên tục cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.