Kinh tế số - Động lực tăng trưởng và phát triển TP HCM trong tương lai
Ngày 15/4, UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) tổ chức Diễn đàn Kinh tế TP HCM (HEF) năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP HCM trong tương lai” với sự tham dự của Lãnh đạo Chính phủ và đại diện các Bộ, ngành Trung ương và hơn 900 đại biểu trong và ngoài nước.
Diễn đàn là sự kiện quốc tế thường niên do UBND TP HCM chủ trì tổ chức, nhằm tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; các đề án, mục tiêu, chương trình trọng điểm trên địa bàn.
Sự kiện đã thu hút hơn 900 đại biểu, bao gồm lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành; đại diện các cơ quan ngoại giao, lãnh đạo của các tổ chức, định chế tài chín lớn như WB, IMF, IFC, ADB…Đặc biệt, diễn đàn năm nay có sự tham gia của các nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương nước ngoài đến từ 9 quốc gia như: Mỹ, Nga, Nhật Bản, Phần Lan, Israel, Thái Lan, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Australia; các chuyên gia kinh tế và kinh tế số.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đưa ra 4 định hướng lớn đối với kinh tế số ở thành phố - Ảnh - Báo Người lao động
Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm nay xoay quanh bốn chủ đề chính: Bức tranh chung về chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở TP HCM, tầm nhìn và khát vọng đến năm 2030; Thiết kế chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế số tại TP HCM, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: Thách thức và giải pháp; Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Kinh nghiệm và bài học thành công của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Diễn đàn là cơ hội để lãnh đạo TP HCM trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài nước về chuyển đổi số và kinh tế số. Qua đó nhằm mục đích thống nhất và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và kinh tế số. Đồng thời, thông qua diễn đàn giúp tìm kiếm các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn.
Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (4.0) đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu vào các hoạt động của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng, được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Với Việt Nam, phát triển kinh tế số là cơ hội lớn để thu hẹp khoảng cách phát triển.
Các đại biểu tham quan gian hàng công nghệ triển lãm tại Diễn đàn - Ảnh: Báo Người lao động
Cốt lõi của Cách mạng Công nghiệp 4.0 chính là chuyển đổi số, với sự tích hợp của số hóa, kết nối/siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Có dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Sự tăng trưởng nhanh này là do hạ tầng viễn thông - CNTT khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao; Do người Việt Nam ham mê công nghệ, thích sử dụng công nghệ vào loại cao nhất trong khu vực; Dân số Việt Nam trẻ, được đào tạo tốt, học toán tốt và lao động chăm chỉ; Tính cách người Việt Nam thích ứng nhanh với sự thay đổi. Đây là lợi thế Việt Nam khi chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Thông qua diễn đàn năm nay, TP HCM kỳ vọng sẽ tìm kiếm được một mô hình chuyển đổi chuẩn cho quá trình chuyển đổi số của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cả nguồn lực đầu tư mới để Thành phố có bước đi đúng hướng, hiệu quả. Kinh tế số cũng được xác định sẽ là động lực tăng trưởng và phát triển của Thành phố trong tương lai.
Đây là một tham vọng rất lớn của Thành phố về kinh tế số, chuyển đổi số và quản trị số. Thông qua diễn đàn, Thành phố cùng cộng đồng doanh nghiệp sẽ xây dựng được chính sách hỗ trợ, cơ chế cho chuyển đổi số của các đối tượng. Đồng thời, hình thành được tổ chức tư vấn hỗ trợ kỹ thuật số và phát huy vai trò các bên liên quan trong hệ sinh thái kỹ thuật, kinh tế số, góp phần đẩy mạnh xây dựng TP HCM thành đô thị thông minh.