Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ
Sau hai năm triển khai Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa 17) về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn giai đoạn 2021-2025”, nhiều lĩnh vực đã có sự thay đổi rõ nét nhờ ứng dụng khoa học-công nghệ. Tuy nhiên, hiện việc triển khai chương trình còn chậm, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của các đơn vị liên quan.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã… ở Hà Nội đã ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, tạo ra hàng hóa có năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Thí dụ như Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn tại huyện Chương Mỹ đã ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thống quan trắc thời tiết để cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất.
Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau Cuối Quý (huyện Đan Phượng) đã đầu tư hệ thống nhà lưới và hệ thống tưới tự động cho gần 5ha trồng trọt, không sử dụng thuốc và phân bón hóa học trong quy trình sản xuất, vừa giúp hạn chế tác động của thời tiết, bớt công chăm sóc, vừa đem lại năng suất và chất lượng cho sản phẩm. Sản lượng hằng năm đạt từ 50 tấn đến 80 tấn rau, củ, quả các loại… Tính đến nay, Hà Nội đang có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sau thời gian ngắn thực hiện chiến lược chuyển đổi số, trong giai đoạn 2020-2022, doanh thu của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã tăng gần 20%. Hiện, các sản phẩm công nghệ đã chiếm 70% tổng doanh thu của công ty, trong đó các sản phẩm công nghệ cao như đèn LED smart, thiết bị điện thông minh, sản phẩm IoT, phích tiên tiến… chiếm 29%. Ba trung tâm nghiên cứu và phát triển của Rạng Đông đã tích cực ứng dụng các công nghệ mới, hình thành hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ 4.0…
Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa 17) về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, thành phố đã tiếp tục triển khai đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ thông qua các chương trình, kế hoạch cụ thể cùng nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Để phát triển tiềm lực khoa học-công nghệ, Hà Nội đã phối hợp các bộ, ngành tăng cường thu hút đầu tư vào các dự án khoa học-công nghệ; xây dựng, đưa vào hoạt động Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội, dự án Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc… Các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, kinh doanh đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng tăng trưởng.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cũng chỉ ra những hạn chế trong thực hiện Chương trình số 07 trong thời gian qua. Cụ thể, việc xây dựng, ban hành một số đề án, kế hoạch, chuyên đề, dự thảo còn chậm. Việc tính toán, theo dõi một số chỉ tiêu của Chương trình số 07 đang gặp khó khăn do thiếu số liệu và công cụ tính toán.
Công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ còn gặp khó khăn về nguồn kinh phí. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cho biết, đề án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao còn chờ Luật Đất đai sửa đổi, ngoài ra, còn gặp nhiều vướng mắc về hiệu quả đầu tư nên các doanh nghiệp khó khăn trong việc áp dụng...
Chương trình số 07 của Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng năng suất lao động đạt từ 7 đến 7,5%; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp là hơn 70%; đến cuối giai đoạn 2021-2025, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP; doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt hơn 50%...
Để thực hiện được các mục tiêu này, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong yêu cầu, năm 2023, các đơn vị chú trọng phối hợp triển khai công tác lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như quy hoạch về khu công nghệ cao của thành phố, trong đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thành phố Hà Nội gắn với các chuỗi giá trị nội địa, khu vực và toàn cầu.
Thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số; áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng; phát triển thị trường khoa học và công nghệ, đẩy nhanh việc hình thành và đưa vào vận hành Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thành phố Hà Nội.