Ưu tiên không gian xanh sau khi di dời các nhà máy
Theo kết quả khảo sát thực địa của Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) vừa công bố tại tọa đàm “Hiện trạng di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư và cơ hội mở rộng không gian công cộng”, trong danh sách 39 nhà máy thuộc dạng di dời năm 2011 của Hà Nội có tới 69% chuyển đổi thành khu trung tâm thương mại (TTTM) và chỉ có 1% là chuyển đổi sang mục đích khác ngoài TTTM, còn lại là 26% dừng hoạt động và 4% đang hoạt động….
Các chuyên gia cho rằng, việc thay thế nhà máy sau khi di dời bằng các khu chung cư, nhà cao tầng, TTTM, về ngắn hạn ở mặt tích cực sẽ mang lại GDP cho thành phố, nhưng về dài hạn cần tính đến vấn đề nóng lên của thành phố và gia tăng áp lực khi nhiệt độ tăng cao.
Hơn thế nữa, trên địa bàn Hà Nội hiện còn khá nhiều nhà máy công nghiệp trong các khu dân cư, gây sức ép lớn đến môi trường sống, trong khi không gian công cộng lại đang rất thiếu.
Cũng theo khảo sát này, đa số người dân được hỏi muốn nhà máy chuyển đi được thay bằng công viên (93%), cơ sở y tế (43%) hoặc cơ sở giáo dục (40%). Điều này cũng nhất quán với nhu cầu của người dân Hà Nội khi 92% người dân được hỏi cho rằng không gian công cộng là quan trọng với lối sống của họ và 79% cho rằng Hà Nội đang thiếu không gian công cộng.
PGS.TS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cho biết, so sánh về không gian xanh của Hà Nội so với các thành phố trên thế giới hoặc tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị thì đều thấp hơn khá nhiều.
Về vấn đề này, Kiến trúc sư Đinh Đăng Hải, chuyên gia Dự án Thành phố Sống tốt, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cũng cho hay, hiện nay, diện tích không gian công cộng ở Hà Nội rất hạn chế, trung bình người dân Hà Nội chỉ có 3 m2 diện tích không gian công cộng/người, trong khi tiêu chuẩn tối thiểu là 5 m2/người. Thậm chí những người dân sống ở quận Hoàn Kiếm chỉ có 30 cm2/người. Như vậy, Hà Nội còn một khoảng cách rất xa mới đạt chuẩn về không gian công cộng so với các thành phố trên thế giới.
PGS.TS Phạm Thúy Loan cho rằng, thiết kế đô thị là lĩnh vực chủ yếu tập trung vào chất lượng môi trường không gian đô thị, phục vụ con người, và không gian công cộng là chủ đề trọng tâm của thiết kế đô thị. Trong đó, không gian công cộng phải có khả năng tiếp cận dễ dàng, phục vụ cho đời sống của con người.
Theo hệ thống văn bản pháp luật hiện nay, nhà nước đã có chủ trương và chính sách di dời các nhà máy công nghiệp ra khỏi khu vực trung tâm, và sử dụng không gian sau di dời để phát triển không gian công cộng.
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh sử dụng quỹ đất chuyển đổi, đặc biệt là nhà máy đã được di dời thì cần ưu tiên cho cây xanh, mặt nước và không gian công cộng để nâng cao chất lượng cuộc sống về mặt thể chất cũng như tinh thần cho người dân.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, để các công viên, không gian công cộng đáp ứng nhu cầu của người dân, trước hết chính quyền các đô thị cần phải xây dựng được chiến lược phát triển không gian công cộng với những chính sách phát triển được đưa vào trong các quy hoạch tổng thể của thành phố. Đặc biệt, chính quyền cần huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc đóng góp ý kiến, cũng như giám sát quá trình thực hiện.