Quảng Ninh triển khai nhiều biện pháp quyết liệt bảo vệ môi trường
Theo “Dự thảo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”, đến năm 2030, phải từng bước ngăn chặn được xu hướng ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo đảm an ninh môi trường; giải quyết cơ bản các vấn đề môi trường trọng điểm cấp bách, từng bước cải thiện chất lượng môi trường; tăng cường hoạt động bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái quan trọng; khắc phục xu hướng suy giảm đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên; đẩy mạnh các hoạt động đồng lợi ích để đồng thời nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Muốn vậy, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là phải kêu gọi sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường.
Tại Quảng Ninh, để khơi dậy vai trò trách nhiệm của cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, ngay từ năm 2010, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động triển khai mô hình điểm “Khu dân cư tự quản BVMT” tại thôn 2, xã Hiệp Hoà, TX Quảng Yên.
Hội viên Hội Phụ nữ xã Hiệp Hòa ra quân dọn vệ sinh môi trường. Ảnh: Ánh Tuyết (Trung tâm TT-VH Quảng Yên)
Chỉ trong năm đầu tiên thực hiện, 100% hộ gia đình đã tự nguyện ký cam kết thực hiện “ba không”: Không đổ rác thải bừa bãi; không phóng uế, vứt xác động vật bừa bãi; không chặt phá cây xanh, thả rông súc vật. Các hoạt động tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm hàng tháng cũng dần nhận được sự tham gia của đông đảo nhân dân.
Từ thành công của địa phương làm điểm, hệ thống MTTQ toàn tỉnh đã triển khai rộng rãi khắp các khu dân cư, vận dụng linh hoạt để gắn liền với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”... Đặc biệt là đã đưa vào quy ước, hương ước của khu dân cư và xem là một trong các tiêu chí đánh giá, bình xét danh hiệu thi đua “Gia đình văn hoá”, “Khu dân cư văn hoá” mỗi năm.
Quan trọng nhất là giúp cho cộng đồng nâng cao nhận thức, công tác BVMT không chỉ cần nỗ lực của đội ngũ các chuyên gia, những quy định chặt chẽ của pháp luật, mà còn cần sự tham gia của mỗi cá nhân. Cụ thể là có ý thức trách nhiệm, có kiến thức và hành động đúng đắn vì môi trường sống, dù là ngay từ những việc nhỏ trong nếp sinh hoạt, lao động mỗi ngày. Đồng thời sẵn sàng lên tiếng, phê phán những hành động xấu, biểu dương những cá nhân tiêu biểu, nêu gương tích cực BVMT.
Bên cạnh đó, rất nhiều các hoạt động BVMT khác được triển khai trong toàn tỉnh, huy động sự vào cuộc của cộng đồng dân cư. Mới đây nhất phải kể đến Dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long” do Hội Nông dân tỉnh phối hợp triển khai thí điểm tại 4 phường (Tuần Châu, Hà Phong, Hồng Hải, Hồng Hà), 2 trường THPT trên địa bàn TP Hạ Long và Đại học Hạ Long.
Ngoài ra, còn có Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” do Tỉnh Đoàn và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp duy trì thường xuyên tại các địa phương vùng ven biển trong tỉnh như: Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái. Các cấp Hội LHPN trong tỉnh thì triển khai liên tiếp các hoạt động “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Ngày thứ 7, chủ nhật xanh”, “Dùng làn đi chợ”, “Biến rác thành tiền”, “Đoạn đường xanh - sạch - đẹp phụ nữ quản lý”...
Theo Điều 146 Luật BVMT năm 2014, đại diện cộng đồng dân cư có quyền chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện các mô hình BVMT dựa vào cộng đồng. Đồng thời, có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với cơ sở… Như vậy, việc phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong BVMT đã giúp cho cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở được dễ dàng nắm bắt thông tin để xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường nhanh chóng, chính xác.