Thiết kế xanh sẽ trở thành xu hướng chủ lực trong tương lai
Tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ như hiện nay đang kéo theo những ảnh hưởng tới thiên nhiên và buộc các chủ đầu tư, nhà thiết kế phải đưa ra những giải pháp thiết kế vừa đảm bảo lợi ích kinh tế vừa giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Thiết kế bền vững: Thách thức và giải pháp” do Tập đoàn Kohler tổ chức mới đây, ông Dương Thiện - Giám đốc điều hành Công ty Transform Architecture - cho biết, phát triển bền vững đang tạo ra cơ hội lớn cho các kiến trúc sư nhưng họ phải biết cân bằng giữa ba yếu tố: môi trường, con người và lợi nhuận.
Lý do, các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng, công trình công cộng… đã từ lâu luôn đứng trước thách thức về mặt lợi ích kinh tế nhưng phải hài hoà với cảnh quan, giảm thiểu tối đa tác động tới thiên nhiên và môi trường. Kiến trúc sư và các nhà thiết kế là những người mang trọng trách chuyển tải tinh thần, đòi hỏi khắt khe đó qua từng bản vẽ, việc lựa chọn chất liệu, sản phẩm cho công trình của mình. Điều quan trọng hơn, thông qua mỗi công trình không chỉ nhà đầu tư mà nhà thiết kế cũng phải tạo nên dấu ấn riêng ở đó.
Ông Nguyễn Hoàng Mạnh - CEO kiêm nhà sáng lập MIA Design Studio - bổ sung, với tốc độ đô thị hóa bùng nổ như hiện nay của Việt Nam đồng nghĩa với việc thiên nhiên bị tàn phá, đòi hỏi người kiến trúc sư phải có vai trò định hướng, ứng xử trách nhiệm với môi trường. Khi kiến trúc sư đưa ra những thiết kế xanh sẽ góp phần gắn kết con người với thiên nhiên, giảm thiểu tối đa sự ô nhiễm môi trường, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Theo ông Mạnh, dưới sự đặt hàng của các nhà đầu tư, MIA Design Studio đã thiết kế rất nhiều dự án nghỉ dưỡng, khách sạn như: Naman Residences (Đà Nẵng), Dự án biệt thự Oceanami Resort Long Hải (Vũng Tàu), dự án City Bella (quận 2, TP. Hồ Chí Minh)… các dự án này đều đảm bảo đủ những yếu tố xanh cũng như lợi ích kinh tế mà chủ đầu tư đưa ra.
Thiết kế hòa nhập với thiên nhiên tại Naman Residences (Đà Nẵng)
Về dấu ấn riêng cho mỗi thiết kế, ông Mạnh dẫn chứng dự án cải tạo hồ sinh thái Đống Đa (Quy Nhơn, Bình Định). Trước khi cải tạo, hồ sinh thái Đống Đa là nơi neo đậu tàu thuyền tránh bão của các ngư dân trong khu vực và vùng lân cận. Tại đây, có xưởng đóng tàu thuyền cho cùng các khu nhà ổ chuột tạm bợ, nơi cư ngụ của các hộ dân nghèo lấn chiếm ra phía hồ và trực tiếp xả thải ra hồ, khiến cho toàn bộ hồ Đống Đa xuống cấp và ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hệ sinh thái của cả Đầm Thị Nại cũng như khu vực lân cận TP. Quy Nhơn. Trước yêu cầu cải tạo cấp bách trên, các kiến trúc sư MIA Design Studio đã đưa ra giải pháp: Ngăn ngừa lấn chiếm để tái tạo lại khu nhà ổ chuột, liên kết không gian ở với công viên và mặt nước và tạo liên kết công viên với hồ sinh thái Đống Đa với khu ở. Với những giải pháp này, hiện tại hồ sinh thái Đống Đa đã trở lại xanh, cân bằng tạo môi trường sống trong lành cho cư dân nơi đây.
Kiến trúc sư Marco Sepulveda đến từ Earthcheck - chia sẻ, theo một khảo sát từ phía đơn vị này được thực hiện gần đây, có tới 71% người tiêu dùng quan tâm đến phát triển bền vững và muốn các công ty phải giải thích tại sao cần phải phát triển bền vững cũng như làm sao để đảm bảo được những yếu tố này trong các thiết kế của họ. Khảo sát cũng chỉ ra 67% khách hàng sẵn sàng tẩy chay sản phẩm không có thiết kế bền vững, đây là một thách thức lớn cho những kiến trúc sư, chủ đầu tư các khu nghỉ dưỡng, khách sạn trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Bởi lẽ, những thiết kế bền vững sẽ giúp chúng ta giảm thiếu tác động biến đổi khí hậu song lại đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công với khu vực kinh tế tư nhân.
Như vậy, có thể thấy trước thách thức lớn về biến đổi khí hậu đang đe dọa cuộc sống của con người thì xu hướng thiết kế xanh sẽ trở thành xu hướng thiết kể chủ lực trong tương lai và các kiến trúc sư tại Việt Nam cần nắm cơ hội này.
Nguồn: Copy link