Sơn La: Quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh
Thực hiện những quy định trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định số 34/2023/QĐ-UBND, quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đối tượng áp dụng quy định là hộ gia đình, cá nhân sinh sống trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả người nước ngoài); các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 58 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, gồm: Các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp (kể cả tổ chức nước ngoài) trên địa bàn tỉnh có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng với tổng khối lượng dưới 300 kg/ngày được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân. Các cơ sở tham gia dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Bãi chôn lấp rác thải huyện Thuận Châu – Sơn La
Quyết định quy định rõ 6 nguyên tắc xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, bao gồm: (i) Theo các nguyên tắc của pháp luật về bảo vệ môi trường, (ii) Quản lý chất thải rắn sinh hoạt là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động làm phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, (iii) Chất thải rắn sinh hoạt phải được quản lý theo hướng giảm thiểu phát sinh, tăng cường tái sử dụng, tái chế để khai thác tối đa giá trị tài nguyên của chất thải rắn sinh hoạt, (iv) Hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải có trách nhiệm và nghĩa vụ phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý và chi trả giá dịch vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh và các quy định của pháp luật có liên quan, (v) Cơ sở vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm chuyển giao cho cơ sở xử lý chất thải có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp hoặc chuyển giao cho cơ sở vận chuyển khác đảm bảo quy định để vận chuyển, (vi) Ưu tiên đầu tư công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện đại, thân thiện với môi trường, có thu hồi năng lượng và thành phần có ích trong chất thải rắn sinh hoạt; không đầu tư mới công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ bằng hình thức chôn lấp trực tiếp.
Quyết định cũng quy định cụ thể về cách phân loại chất thải rắn sinh hoạt, cách lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt, điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cách xử lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải.
Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt phải được quản lý theo hướng giảm thiểu phát sinh, tăng cường tái sử dụng, tái chế để khai thác tối đa giá trị tài nguyên của chất thải rắn sinh hoạt; Hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải có trách nhiệm và nghĩa vụ phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý và chi trả giá dịch vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Cơ sở vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm chuyển giao cho cơ sở xử lý chất thải có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp hoặc chuyển giao cho cơ sở vận chuyển khác đảm bảo quy định để vận chuyển;
Ưu tiên đầu tư công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện đại, thân thiện với môi trường, có thu hồi năng lượng và thành phần có ích trong chất thải rắn sinh hoạt; không đầu tư mới công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ bằng hình thức chôn lấp trực tiếp.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 11 năm 2023.