Quyết tâm đưa Việt Nam trở thành nước phát triển xanh và bền vững
Ngày 4/8 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V. Hội nghị không chỉ nhằm tổng kết đánh giá kết quả đạt được trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 – 2022 mà còn là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của toàn dân trong việc quyết tâm đưa Việt Nam trở thành nước phát triển xanh và bền vững.
Hội nghị có sự hiện diện của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các cơ quan đoàn thể ở Trung ương, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.
Hội nghị Môi trường toàn quốc được tổ chức 5 năm một lần với mục tiêu đánh giá thực trạng công tác bảo vệ môi trường, cùng nhau thảo luận thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp cho các năm tiếp theo. Hội nghị năm nay càng có ý nghĩa hơn khi diễn ta trong bối cảnh phục hồi xanh đang là xu thế chung của toàn cầu và phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được thúc đẩy mạnh mẽ ở Việt Nam. Thông qua các kỳ của Hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, kiến nghị Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường trong giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Kể từ sau Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV năm 2015 đến nay, công tác bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến rất mạnh mẽ từ chủ trương, giải pháp đến nhận thức và tư duy hành động. Vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lươc, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe Nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.
Với Tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh; đồng thời tận dụng cơ hội đưa đất nước ta theo con đường “xanh”, hiện thực hoá mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Đây là xu thế phát triển phù hợp với “Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong 15 năm tới”.
Chủ đề của Hội nghị năm nay là “Hài hoà phát triển kinh tế và BVMT hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững” như một lời kêu gọi mạnh mẽ về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ môi trường, ngăn chặn sự suy thoái của đa dạng sinh học vì cuộc sống hài hòa với thiên nhiên và cho một tương lai bền vững hơn. Để hướng tới Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V chuỗi các sự kiện liên quan như: Hội thảo chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Hội thảo khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Triển lãm thành tựu về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã được tổ chức.