PVN: Bảo vệ môi trường gắn với văn hóa Dầu khí
Sự sụt giảm liên tiếp của giá dầu thô từ tháng cuối năm 2014 đến làm cho ngành Dầu khí đối mặt với khó khăn lớn nhất trong lịch sử phát triển của mình. Những giải pháp ứng phó với giá dầu giảm, sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành từ quản trị nguồn lực đến nguồn vốn... được PVN triển khai mạnh mẽ, linh hoạt. Rất mừng đến nay, PVN đã và đang trụ vững trước cơn sóng dữ này... Tuy khó khăn là vậy nhưng ý thức đầy đủ về trách nhiệm của Tập đoàn kinh tế quan trọng của đất nước, PVN chú trọng đến công tác môi trường, gắn nhiệm vụ bảo vệ môi trường với Văn hóa Dầu khí.
Bảo vệ môi trường gắn với văn hóa Dầu khí
Bảo vệ môi trường gắn với văn hóa doanh nghiệp đó chính là một trong những điều kiện phát triển bền vững của bất cứ doanh nghiệp nào. Với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì nhiệm vụ bảo vệ môi trường là trách nhiệm, là tinh thần và luôn được văn hóa Dầu khí. Bởi không đơn thuần như các ngành khác, để bảo đảm an toàn môi trường trong hoạt động dầu khí nước ta, khá nhiều đối tượng đặc thù và phức tạp phải giải quyết như: ứng phó sự cố tràn dầu; xử lý dung dịch khoan và mùn khoan thải từ các công trình dầu khí trên biển; quản lý chất thải đối với các hoạt động dầu khí trên biển; xử lý khí thải, nước thải trong công nghiệp lọc - hóa dầu, đạm, hóa phẩm dầu khí, công nghiệp sản xuất điện; xử lý nước khai thác thải từ các công trình dầu khí trên biển; xử lý môi trường khi thu dọn mỏ…
Xác định việc loại trừ hoặc giảm thiểu các rủi ro gây tác hại đối với sức khỏe và tính mạng con người, gây thiệt hại tài sản hoặc môi trường là trách nhiệm của mọi đơn vị sản xuất công nghiệp, PVN luôn đặt mục tiêu bảo đảm an toàn sức khỏe môi trường (ATSKMT) lên hàng đầu. Vì vậy, PVN luôn nhận thức sâu sắc trách nhiệm kiểm soát, hướng dẫn các đơn vị cơ sở, các đối tác nước ngoài thực thi tuân thủ quy định pháp luật về ATSKMT. Tại Việt Nam, PVN là doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực an toàn, môi trường, từng bước hoàn thiện các hướng dẫn kiểm soát an toàn, môi trường, ứng phó với các sự cố đặc thù riêng của ngành, đảm bảo đạt các yêu cầu của công nghiệp dầu khí quốc tế.
Cùng với sự tư vấn của các tổ chức quốc tế (PSA, NCA, KLIF…), trong thời gian qua, Tập đoàn đã nỗ lực không ngừng trong việc phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng và hoàn thiện các tài liệu pháp luật về quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp, ứng phó sự cố tràn dầu và bảo vệ môi trường, nhằm đảm bảo an toàn cho con người, môi trường và tài sản trong toàn bộ hoạt động dầu khí. Hiện nay PVN đã có 15 đơn vị cơ sở có Hệ thống quản lý ATSKMT được các công ty độc lập đánh giá và cấp chứng chỉ quốc tế, gồm: PTSC, PV GAS, PVFCCo, PV Trans, PVD, PVC, DMC, VSP, PVEP, PVPower, BSR, DQS, BDPOC, PVCFC và PV Oil. Hệ thống quản lý ATSKMT của Tập đoàn được xây dựng và duy trì đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả theo các tiêu chuẩn OHSAS 18001, ISO 14001 và ISO 9001
Được biết, từ năm 2012, PVN đã đưa vào sử dụng hiệu quả phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu ATSKMT của PVN”, một cầu nối quan trọng giữa Tập đoàn và các đơn vị. Thông qua công tác vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu ATSKMT, Tập đoàn tổng hợp, thống kê và theo dõi các chỉ số ATSKMT của tất cả các đơn vị cơ sở và nhà thầu dầu khí, báo cáo định kỳ tới lãnh đạo Tập đoàn và cơ quan quản lý nhà nước về ATSKMT.
Riêng năm 2015, PVN được chấp thuận 07 báo cáo đánh giá tác động môi trường của các đơn vị và nhà thầu và 01 báo cáo Đánh giá môi trường Chiến lực của Dự án Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp Khí Việt Nam đến 2025 và định hướng đến 2035; tổ chức thẩm định 06 phương án ứng phó sự cố tràn dầu;…
Bảo vệ môi trường bằng tinh thần và trách nhiệm
Những lần đi thực tế tại các nhà máy, công trình của PVN, điều mà chúng tôi nhận thấy ở các đơn vị đều có chung trong công tác bảo vệ môi trường đó là bảo vệ môi trường bằng tinh thần và trách nhiệm. Điển hình như tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Công ty Lọc – Hóa dầu Bình Sơn - BSR) đã tuân thủ nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường và các quy định khác liên quan đến công tác bảo vệ môi trường. Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy được đầu tư 27,8 triệu USD, theo công nghệ tiên tiến, hiện đại của các nước G7; Thiết bị tách bụi tĩnh điện - Phân xưởng Cracking xúc tác 1 tầng sôi, Phân xưởng thu hồi lưu huỳnh, Phân xưởng thu hồi lưu huỳnh bổ sung và Hệ thống xử lý nước thải. Các hạng mục này đều được áp dụng công nghệ hiện đại và đang vận hành an toàn theo đúng quy chuẩn Việt Nam và quốc tế. Đặc biệt, từ năm 2009, BSR đã xây dựng hệ thống quản lý tích hợp an toàn Sức khỏe Môi trường trên phạm vi toàn Công ty để quản lý đồng bộ theo tiêu chuẩn quốc tế. BSR còn xây dựng hệ thống quản lý tiết kiệm năng lượng ISO 50001 và được cấp Chứng nhận “Trusted Green - Chỉ số Tín nhiệm Xanh 2016”.
Tại Nhà máy Đạm Cà Mau không chỉ hướng đến mục đích góp phần bình ổn nguồn phân bón trên cả nước, mà còn thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về một nhà máy khép kín, hướng đến “xanh hóa” nền công nghiệp của Việt Nam. Do đó, công nghệ được áp dụng cho nhà máy đều là các công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay. Công nghệ tổng hợp amoniac, nhà máy chọn công nghệ của Haldor Topsoe A/S do đã được khẳng định qua tính ưu việt của các cụm thiết bị công nghệ. Cụm tách CO2 sử dụng công nghệ của BASF với hiệu suất phân tách cao, tiêu hao năng lượng thấp và ít gây tác hại đến môi trường. Hầu hết các thiết bị chính, quan trọng tại Nhà máy Đạm Cà Mau đều có xuất xứ từ EU/G7. Các tiêu chuẩn áp dụng cho nhà máy là các tiêu chuẩn quốc tế (ASME, API, JIS…) và các tiêu chuẩn bắt buộc về môi trường và an toàn, phòng chống cháy nổ của Việt Nam.
Trong lĩnh vực công nghiệp khí, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) không những cung cấp khí thay thế đáng kể các nguyên nhiên liệu khác có hại cho môi trường như than, xăng dầu, củi đốt… mà đặc biệt PV GAS là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ quốc tế về môi trường ISO 14001 và luôn luôn duy trì tiêu chuẩn trong nhiều năm qua.
Cùng với việc sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, có chỉ số phát thải thấp và áp dụng hệ thống quản lý môi trường ISO 14001, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong giai đoạn từ 2013-2018, PVFCCo phấn đấu thực hiện cải tiến liên tục công nghệ để tiết kiệm từ 1-3% nhiên liệu tiêu thụ tại PVFCCo; Đối với Nhà máy đạm Phú Mỹ: phấn đấu trong giai đoạn từ 2014-2019 thực hiện cải tiến liên tục để tiết kiệm từ 0,5 đến 1% tổng nhiên liệu để sản xuất 1 tấn Urê so với mức 0.2537 TOE/T-urê của năm 2013; Đối với Công ty Bao bì đạm Phú Mỹ: phấn đấu trong giai đoạn từ 2013-2018 thực hiện cải tiến liên tục để tiết kiệm 1,5%kWh/đơn vị SP.
Hay đối với Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), trong quá trình triển khai các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài luôn gắn các hoạt động với kế hoạch bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường cho hiện tại cũng như lâu dài. Hiện nay, PVEP đang cùng Tập đoàn Dầu khí thực hiện các giải pháp nhằm mục tiêu tiết kiệm năng lượng, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý như: Ưu tiên sử dụng các nguyên/nhiên liệu thân thiện hơn với môi trường; ưu tiên sử dụng các công nghệ xử lý môi trường theo chu trình khép kín; xây dựng chương trình quản lý chất thải, quan trắc môi trường cho các dự án, nghiên cứu đầu tư và phát triển các dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM)...
Và đặc biệt đối với PVN thì công tác nghiên cứu khoa học công nghệ được Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) chú trọng đến những đề tài nghiên cứu gắn với Chiến lược phát triển bền vững ngành Dầu khí Việt Nam. Hàng năm VPI triển khai mới hơn 80 đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học các cấp (Nhà nước, Bộ, Ngành, các đơn vị trong Tập đoàn) bao trùm toàn bộ hoạt động dầu khí từ triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu dầu khí đặc thù (thăm dò, khai thác; tính chất dầu thô, khí, condensate; quá trình chế biến dầu khí; giá dầu thô và các sản phẩm lọc hóa dầu…) đến tư vấn, thẩm định nhiều dự án trong và ngoài nước của Tập đoàn, đặc biệt trong khâu đầu như thiết kế thu nổ địa chấn, định hướng thăm dò, đề xuất vị trí giếng khoan, xây dựng mô hình địa chất và mô phỏng khai thác, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp gia tăng thu hồi dầu;đánh giá, lựa chọn, theo dõi tính chất các loại xúc tác trong các nhà máy lọc hóa dầu, ứng dụng nhiên liệu sinh học. ..
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được hiểu là cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, phát triển cộng đồng… và ở PVN đã và đang thực hiện điều đó bằng cả tinh thần và trách nhiệm của người Dầu khí
Lê Hằng
PV Báo Tài nguyên và Môi trường