Xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường giám sát cải thiện nguồn nước
Thông tin từ ngành chức năng Hậu Giang, thời gian gần đây, chất lượng nước ở nhiều khúc sông, kênh, rạch trong tỉnh ngày càng giảm sút. Nguyên nhân là do tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh, cùng với việc chưa kiểm soát hết được việc xử lý các chất thải nên gây ra tình trạng suy thoái môi trường sinh thái, đặc biệt là nguồn nước mặt ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo kết quả quan trắc nước mặt của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường Hậu Giang, trong năm 2016, có đến 7 trên tổng số 23 điểm quan trắc bị ô nhiễm nặng, chủ yếu là bị ô nhiễm hữu cơ và vi sinh. Trên thực tế, tuy chất lượng môi trường nước mặt trong tỉnh nói chung đã có những chuyển biến tích cực và không có biểu hiện gia tăng ô nhiễm, nhưng vấn đề ô nhiễm đang có chiều hướng tập trung tại một số điểm thuộc khu vực đô thị và khu công nghiệp. Cụ thể, tại một số điểm quan trắc trên các tuyến kênh lớn như: kênh xáng Xà No, kênh Cái Côn, kênh Búng Tàu, đoạn chảy qua khu vực đô thị, khu công nghiệp và chợ đều bị ô nhiễm nguồn nước mặt. Với các thông số gồm: Coliforms, TSS, N-NH4+, BOD5, COD đều vượt nhiều lần so với quy chuẩn cho phép.
Ông Lê Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang cho biết, mới đây, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long”. Trong đó sẽ đầu tư 3 điểm quan trắc nước mặt tự động trên tuyến kênh xáng Xà No (đoạn qua trung tâm thành phố Vị Thanh), kênh xáng Nàng Mau (đoạn qua trung tâm huyện Vị Thủy), sông Hậu (đoạn qua Khu công nghiệp Sông Hậu). Ngoài ra, cấp có thẩm quyền của tỉnh đã thống nhất chủ trương giao cho đơn vị làm chủ đầu tư dự án “Xây dựng hệ thống quan trắc tự động liên tục trên địa bàn tỉnh và cơ sở vật chất phòng thí nghiệm, hạ tầng kỹ thuật tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động”.
Dự án “Xây dựng hệ thống quan trắc tự động liên tục trên địa bàn tỉnh và cơ sở vật chất phòng thí nghiệm, hạ tầng kỹ thuật tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động” có tổng mức đầu tư hơn 20 tỉ đồng. Dự án sẽ đầu tư hạ tầng kỹ thuật tiếp nhận dữ liệu quan trắc nước thải tự động của các nguồn thải và dữ liệu quan trắc nước mặt đặt tại Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh, với 3 điểm quan trắc nước mặt tự động trên các tuyến kênh Ba Láng (đoạn qua Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh), kênh Cái Côn (đoạn qua Trung tâm thị xã Ngã Bảy, gần nhà máy nước Ngã Bảy), sông Cái Lớn (vị trí gần trạm cấp nước thị xã Long Mỹ) và 1 điểm quan trắc không khí tại Khu công nghiệp Sông Hậu. Dự án sẽ được triển khai thực hiện trong năm 2017.
Nếu các dự án hoàn thành sẽ cơ bản hiện thực hóa mục tiêu quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường của tỉnh. Từ đó, giám sát được công tác xử lý và xả thải của các doanh nghiệp. Đây còn là nguồn cung cấp dữ liệu quan trọng cho các cơ quan quản lý nhà nước các cấp về hiện trạng và diễn biến môi trường nước mặt, để có cơ sở đề ra các chính sách, biện pháp cần thiết và hiệu quả nhằm phòng ngừa, xử lý ô nhiễm, cũng như phục hồi môi trường nước mặt.
Phương Thảo
Nguồn: Copy link