Giảm ô nhiễm môi trường từ phân loại rác
Qua 3 năm triển khai Nghị quyết, nhiều chương trình, mô hình bảo vệ môi trường đã được UB MTTQ tỉnh, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong tỉnh triển khai. Mô hình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình với hơn 21 nghìn hộ tham gia thực hiện (trong 3 năm) đã góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn.
Thực hiện Nghị quyết 11 của tỉnh ủy, dự án phân loại xử lý rác thải tại gia đình cũng được triển khai rộng khắp trên địa bàn nhiều huyện của tỉnh Hưng Yên. Hai mô hình “Thùng phân loại, xử lý rác thải” và “Hố rác di động” được thực hiện ở 4 điểm, là thôn Tiên Cầu (xã Hiệp Cường), thôn Động Xá (thị trấn Lương Bằng), thôn Bông Thượng và Đức Hợp (xã Nghĩa Dân) huyện Kim Động.
Theo quy trình, người dân được trang bị thùng phi nhựa dung tích 200 lít, hoặc đào hố rác với kích thước 70cm x 70cm, sâu khoảng 1m bên trên đặt lắp. Hàng ngày, các loại rác thải sinh hoạt trong gia đình được thu gom và phân loại, rác hữu cơ sẽ cho vào thùng phi hoặc hố rác đào sẵn. Còn các loại rác như túi nilon, nhựa… sẽ được gom lại để bán cho cơ sở tái chế. Bằng phương pháp này, mỗi gia đình đã giảm được 2/3 lượng rác xả thải ra môi trường. Vấn đề vệ sinh môi trường từ nhà ra ngõ đã được bảo đảm sạch sẽ. Mặt khác, rác thải được xử lý bằng chế phẩm sinh học đã rút ngắn thời gian xử lý tiết kiệm năng lượng, tạo nguồn phân bón hữu cơ cho các cây trồng tại địa phương.
Phân loại xử lý rác thải tại một nhà dân xã Hiệp Cường huyện Kim Động
So với việc chở rác đi xử lý, việc phân loại, xử lý tại hộ gia đình mang lại nhiều lợi ích ưu điểm với mức chi phí thấp, dễ làm, thuận tiện cho người sử dụng và phù hợp với điều kiện kinh tế, tập quán sinh hoạt của người dân vùng nông thôn.
Cũng từ năm 2013, Ủy ban MTTQ tỉnh Hưng Yên đã tiến hành triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình tại xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hào với sự tham gia của 200 hộ gia đình.
Tại thôn An Tháp, xã Nhân Hòa để vận động thực hiện việc phân loại rác chính quyền thôn đã phối hợp với Ban Công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền sâu rộng các nội dung của mô hình để người dân thấy được hiệu quả của việc phân loại ngay từ gia đình. Ngoài việc giảm lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường, rác thải qua xử lý là nguồn phân bón sạch cho cây trồng. Đến nay, việc phân loại và xử lý rác thải tại thôn An Tháp đã mang lại hiệu quả thiết thực. Người dân ở các khu dân cư đã có ý thức tốt hơn trong việc tham gia bảo vệ môi trường, tích cực làm vệ sinh nơi công cộng.
Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 11, đến nay 58% lượng rác thải sinh hoạt ở nông thôn được thu gom, xử lý. Tại hơn 800 thôn, khu phố của tỉnh Hưng Yên đã thành lập tổ, đội vệ sinh môi trường tự quản với hơn 50% số thôn đã có điểm tập kết, bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh và hơn 21 nghìn hộ thực hiện phân loại và xử lý rác sinh hoạt tại gia đình.
Từ hiệu quả trên tỉnh Hưng Yên đang chỉ đạo Sở Tài nguyên & Môi trường và các huyện, thành phố tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh, qua đó nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong cộng đồng, để mọi người dân cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ môi trường.
Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 80% rác thải sinh hoạt nông thôn được thu gom, vận chuyển xử lý với hơn 50% số hộ trên địa bàn thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình, 100% thôn, xóm, khu dân cư có tổ đội vệ sinh môi trường...