Xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận “Táo sơn tra Sơn La”
Tỉnh Sơn La hiện có gần 9.000ha cây sơn tra, tập trung chủ yếu tại 3 huyện: Bắc Yên, Mường La, Thuận Châu. Tại nhiều địa phương, cây sơn tra được xác định là cây trồng chủ lực xóa đói nghèo cho các bản vùng cao. Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện mới có 2 doanh nghiệp tại huyện Bắc Yên thu mua và chế biến các sản phẩm từ sơn tra, công suất hoạt động chỉ đảm bảo tiêu thụ khoảng 20% sản lượng sơn tra tươi của địa phương, còn lại đều thông qua tư thương.
Quả sơn tra góp phần xóa đói, giảm nghèo cho các bản vùng cao |
Việc xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận “Táo sơn tra Sơn La” vào tháng 9/2019 là cơ sở để mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh sơn tra, nâng cao đời sống của nông dân trồng sơn tra, đặc biệt là bà con dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh.
Với những lợi thế sẵn có, tỉnh hướng đến mục tiêu tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm sơn tra, phát triển thương hiệu vững mạnh; tập trung vào quy hoạch, cải tạo nâng cao chất lượng vùng trồng theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Cụ thể, ngành nông nghiệp Sơn La đã phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoàn thiện cơ sở chế biến sản phẩm hoa quả theo định hướng; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tácxã tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống siêu thị, hội chợ, tuần văn hóa giới thiệu sản phẩm nông sản của tỉnh. Đồng thời, thẩm định và công nhận 108 cây sơn tra trội tại huyện Mường La, Bắc Yên. Đây là nguồn cây giống quan trọng để các vườn ươm khai thác mắt ghép, nhân giống, đáp ứng yêu cầu của đơn vị thu mua và cung cấp giống phục vụ công tác trồng rừng; phấn đấu đến năm 2020, nâng diện tích sơn tra toàn tỉnh lên 27.800ha, sản lượng trên 213.000 tấn. Song song với các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, việc đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Niên vụ 2018, Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc (xã Tà Xùa, Bắc Yên) đã thu mua 10 tấn sơn tra, sản xuất thử nghiệm thành công các sản phẩm từ loại quả này như: Cốt sơn tra, giấm sơn tra, sơn tra sấy, mứt sơn tra và nhận được sự ưa thích của khách hàng, đối tác đồng ý phân phối với quy mô lớn. Dự kiến, nếu vụ sơn tra năm 2019 tiêu thụthành công, năm 2020, công ty sẽ triển khai sản xuất công nghiệp, phân phối quy mô lớn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu từ 100 - 300 tấn táo sơn tra tươi/năm.
Tỉnh Sơn La cũng thu hút Công ty CP Lavifood (Tây Ninh) lên khảo sát và xác định chất lượng sơn tra, phục vụ hoạt động chế biến của doanh nghiệp và sẽ làm đầu mối thu mua sơn tra tươi của Sơn La để xuất khẩu. Đây là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn Lead Silver của Mỹ, áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và vận hành. Việc hợp tác với đơn vị này là tín hiệu thuận lợi tiêu thụ các sản phẩm quả nói chung và sản phẩm sơn tra nói riêng của Sơn La.