Tiếp tục nâng cao chất lượng, uy tín của hàng Việt
Các đại biểu tham quan khu trưng bày quảng bá giới thiệu hàng hóa, sản phẩm thương hiệu Việt tại khu vực nhà Bát giác - Vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Theo Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, sau 10 năm triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", với cách làm sáng tạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị toàn Thủ đô, người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội ngày càng nhận thức rõ hơn mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động và hướng tới lựa chọn, mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá thành cạnh tranh thay cho hàng ngoại cùng loại.
Từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay, Hà Nội đã có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam, có sức lan tỏa sâu rộng với sự phát triển kinh tế chung của khu vực phía Bắc.
Để có được kết quả trên, thành phố Hà Nội đã triển khai các cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu; hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới thiết bị… tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất và kinh doanh.
Đáng chú ý, Chương trình bán hàng bình ổn giá, các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn, các phiên chợ hàng Việt đã tạo nguồn cung sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trong giai đoạn 2009 – 2018, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức 22 chuyến bán hàng phục vụ Tết; 29 tuần hàng Việt; 254 phiên chợ Việt, khoảng 3.200 chuyến bán hàng lưu động tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ người tiêu dùng Thủ đô; trên 80 cuộc giao thương, kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa DN Hà Nội và các tỉnh, thành phố; hỗ trợ DN 46 tỉnh, thành phố đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối nước ngoài như Aeon- Nhật, Central Group- Thái Lan, Lotte- Hàn Quốc, chợ đầu mối Rungis- Pháp...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Cuộc vận động cũng đang đối mặt với một số tồn tại, hạn chế, một số đơn vị, doanh nghiệp thực hiện còn hình thức, chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, nội dung Cuộc vận động; tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, chất lượng an toàn thực phẩm vẫn còn khó kiểm soát, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng...
Để Cuộc vận động có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị cần có sự thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng hình thức, nội dung triển khai... công tác này. “Cuộc vận động cần triển khai tích cực ở một tầm mới, để thực sự trở thành Cuộc vận động của toàn dân”; tiếp tục nâng cao chất lượng, uy tín của hàng Việt; đồng thời chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận xã hội cao, qua đó xây dựng thói quen, nét văn hóa dùng hàng Việt.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng yêu cầu các đơn vị chức năng cần tiếp tục rà soát, bổ sung chương trình hành động tổ chức thực hiện CVĐ theo chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và phù hợp với yêu cầu thực tiễn; mở rộng các kênh phân phối hàng Việt Nam thuận tiện, linh hoạt; tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi mua bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng nhập trái phép...
Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố Hà Nội đã trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP. Hà Nội đã trao bằng khen cho 69 tập thể, 46 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện CVĐ
Trong khuôn khổ hội nghị tổng kết, đã diễn ra hoạt động quảng bá, giới thiệu hàng hóa, sản phẩm thương hiệu Việt tại khu vực Nhà Bát giác - Vườn hoa Lý Thái Tổ trong 2 ngày 25 và 26-5.