Tổng hợp các thông tin về Hội nghị các Bộ trưởng Phụ trách Thương mại APEC lần thứ 23
Nhằm tỏ sự trọng thị đối với các Bộ trưởng APEC và các khách mời, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị MRT 23. Hội nghị có sự tham dự của 21 thành viên APEC, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các quan sát viên gồm: Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội đồng Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (PECC) và Hội đồng các Đảo Thái Bình Dương (PIF).
Hội nghị MRT 23 được tổ chức trong bối cảnh kinh tế thế giới trong Quý I năm 2017 đã có một số tín hiệu khởi sắc, thể hiện ở các hoạt động kinh tế đang trên đà tăng tốc, nhu cầu tiêu dùng hàng hoá trên thế giới gia tăng, thị trường tài chính thế giới tiến triển lạc quan hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nâng mức dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ 5,3% (tháng 10 năm 2016) lên 5,5% (tháng 5 năm 2017).
Tái đăng cai APEC sau 11 năm, với phương châm phối hợp cùng các nền kinh tế thành viên trong khu vực xây dựng một cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển, kết nối và thịnh vượng, Việt Nam xác định chủ đề của năm APEC 2017 là: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” cùng bốn ưu tiên chính, tập trung vào các nội dung mà APEC đang chú trọng hợp tác như: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo; Tăng cường liên kết kinh tế khu vực; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu v.v. Chủ đề và các ưu tiên của ta đưa ra năm nay đảm bảo sự tiếp nối hợp tác giữa các năm trong APEC, phù hợp với tình hình hợp tác và các diễn biến trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Phát biểu khai mạc MRT 23, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Hiện nay APEC là một đầu tàu kinh tế, là động lực tăng trưởng quan trọng của Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. APEC có tổng dân số hơn 2,8 tỷ người, chiếm 40% dân số thế giới. Trải qua gần ba thập kỷ, các nền kinh tế APEC đã tăng trưởng mạnh mẽ, chiếm gần 60% GDP của thế giới; 49% giao dịch thương mại quốc tế với mức thuế quan trung bình đã giảm từ 11% năm 1996 xuống còn 5,5% vào năm 2016; mức thu nhập, đời sống của người dân trong khu vực được nâng lên. Đó là minh chứng cho nỗ lực của cả khu vực về tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, cũng như chia sẻ sự ổn định, phát triển và cùng thịnh vượng.” Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh: “mọi kế hoạch hợp tác với những mục tiêu tốt đẹp sẽ không thể trở thành hiện thực, nếu chúng ta thiếu lòng tin, quyết tâm chính trị, hợp tác cùng nhau để gìn giữ môi trường hòa bình, bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động đầu tư, lưu chuyển hàng hóa thương mại trong khu vực v.v.” Cuối cùng, Thủ tướng tái khẳng định quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ về cải cách và tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam và những đóng góp tích cực của mình cho tiến trình hợp tác APEC thông qua việc tái đăng cai chủ trì APEC chỉ sau 11 năm. với phương châm hợp tác với các nền kinh tế thành viên trong khu vực cùng nhau xây dựng một cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương hoà bình, ổn định, phát triển, và kết nối thịnh vượng.
Tại Hội nghị MRT 23, các Bộ trưởng thương mại APEC đã thảo luận chủ đề về ưu tiên: “Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, cũng như củng cố tính cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp Nhỏ, vừa và siêu nhỏ (MSMEs). Tại phiên thảo luận này, Việt Nam đã báo cáo kết quả của Hội nghị APEC về Thương mại và Sáng tạo, được tổ chức bên lề MRT 23, vào ngày 19 tháng 5 năm 2017 tại khách sạn Daewoo, Hà Nội. Ngoài ra, Việt Nam cũng thông báo kết quả cuộc thi Ứng dụng APEC và nhóm thí sinh Ốtx-trây-li-a đã giành giải nhất của cuộc thi này. Đây là những hoạt động hết sức hữu ích và tích cực đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là trong quá trình hỗ trợ các MSMEs vươn ra hị trường khu vực và quốc tế.
Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh đã báo cáo các Bộ trưởng tiến độ triển khai xây dựng “Kế hoạch Hành động về thúc đẩy bao trùm kinh tế, tài chính và xã hội trong khu vực APEC”, cũng như tiến độ xây dựng “Khuôn khổ APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số”. Hội nghị đã ghi nhận và biểu dương sự năng động của Việt Nam với vai trò chủ nhà của APEC 2017 nói chung và của MRT 23 nói riêng.
Các Bộ trưởng thương mại APEC đã nghe Tổng Giám đốc WTO tóm tắt tình hình đàm phán WTO và chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11 vào cuối năm tại Ác-hen-ti-na. Hội nghị ghi nhận và hoan nghênh một số thành công quan trọng của WTO trong thời gian qua như: thông qua Gói cam kết Ba-li, Gói cam kết Nai-rô-bi và đặc biệt là Hiệp định về thuận lợi hóa thương mại (TFA) và Nghị định thư sửa đổi về Hiệp định TRIPs... Đây là cơ sở quan trọng để WTO tiếp tục phấn đấu hợp tác nhằm có những bước tiến mới trong thời gian tới. Tại MRT 23, đa số thành viên APEC đều nhất trí tiếp tục xây dựng một hệ thống thương mại đa phương vững mạnh, minh bạch, lấy luật lệ làm cơ sở và là nền tảng cho thương mại quốc tế.
Các Bộ trưởng cũng đã thảo luận ưu tiên quan trọng nhất của APEC về Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực như: tình hình kinh tế thế giới và khu vực, các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực, thực hiện mục tiêu Bô-gô, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ, kết nối chuỗi cung ứng, FTAAP, thương mại điện tử và thương mại số v.v. Hội nghị MRT 23 đã xem xét và ghi nhận tiến triển đề xuất sáng kiến của Việt Nam về xây dựng “Khuôn khổ Tạo thuận lợi cho Thương mại điện tử Xuyên biên giới”, đồng thời giao các Quan chức Cao cấp APEC (SOM) tiếp tục thảo luận để thông qua tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế vào cuối năm.
Hội nghị MRT 23 đã đưa ra được cả Tuyên bố chung về các hành động của APEC và Tuyên bố của Chủ tịch MRT 23, bao gồm các nội dung như: tiếp tục xây dựng hệ thống thương mại đa phương, ủng hộ Hội nghị Bộ trưởng thương mại WTO lần thứ 11 (MC11), tiếp nối các hoạt động hợp tác về liên kết kinh tế khu vực trong các lĩnh vực quan trọng như thương mại, đầu tư, dịch vụ, chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, công nghiệp hỗ trợ, phát triển MSMEs; Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tại, bao trùm; Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; Tăng cường Hợp tác Kinh tế - Kỹ thuật; Củng cố An ninh lương thực; và Tầm nhìn của APEC tới năm 2020 và xa hơn nữa v.v. Tuyên bố cũng phản ánh đúng tiến độ thực hiện 5 ưu tiên và sáng kiến lớn của ta cho APEC 2017.
Như vậy, MRT 23 - Hội nghị Bộ trưởng quan trọng đầu tiên của năm APEC 2017 đã kết thúc và đạt được những thành công bước đầu, tạo tiền đề thuận lợi cho loạt hội nghị cấp Bộ trưởng khác sẽ diễn ra từ nay tới cuối năm. Chúng ta đã hoàn thành nửa chặng đường quan trọng trong năm đăng cai APEC 2017.