Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới các nước Hồi giáo lần thứ 12 tại Indonesia
Tham dự Diễn đàn có hơn 3000 đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Lãnh đạo nhà nước, Chính phủ, Bộ Trưởng, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực Thương mại, Công nghiệp, Đầu tư của các quốc gia, đặc biệt là từ các nước Hồi giáo; các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, du lịch, vận tải, logistics…; các chuyên gia, học giả, cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại của một số nước tại Indonesia.
Diễn đàn WIEF năm nay với chủ đề “Phân cấp tăng trưởng, trao quyền cho doanh nghiệp tương lai” do Quỹ tài trợ WIEF tại Malaysia và Bộ Tài chính Indonesia đồng chủ trì, nhấn mạnh vào nội dung phát huy vai trò doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp, huy động vốn phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp thực phẩm Halal. Ngoài ra, Diễn đàn gồm nhiều phiên thảo luận khác nhau cũng đã bàn về những thách thức, cơ hội và xu hướng phát triển kinh tế ở các quốc gia Hồi giáo trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Thương mại Đỗ Thắng Hải làm trưởng đoàn đã lần đầu tiên tham gia WIEF, thể hiện Việt Nam đánh giá cao việc các nước Hồi giáo tổ chức Diễn đàn và có những đóng góp vào sự phát triển kinh tế khu vực và thế giới ở nhiều góc độ cũng như đóng góp cho hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển.
Đoàn Việt Nam đã tham dự phiên thảo luận bàn tròn cấp Bộ trưởng với các nội dung về hợp tác khu vực, trao đổi các lĩnh vực hợp tác giữa các quốc gia, vai trò tư nhân trong tham gia tư vấn và hoạch định các cơ chế chính sách của ASEAN, qua đó kết nối các quốc gia trong ASEAN và các quốc gia Hồi giáo khác với ASEAN.
Diễn đàn Kinh tế thế giới các nước Hồi giáo có nguồn gốc từ Diễn đàn doanh nghiệp của Tổ chức Hội nghị các nước Hồi giáo (OIC) với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế toàn diện giữa các quốc gia Hồi giáo. Diễn đàn cũng thể hiện rõ mong muốn thúc đẩy hợp tác hơn nữa với các quốc gia không thuộc Hồi giáo thông qua việc tích cực thu hút sự tham gia của Chính phủ và thành phần tư nhân từ các nước trên toàn thế giới.