Tháng 8: CPI tiếp tục tăng
Theo Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 8 đạt 1.705.925 tỷ đồng, tăng 0,69% so với tháng 7, mức tăng chủ yếu từ nhóm thương nghiệp (tăng 0,81%), các nhóm nhà hàng khách sạn và du lịch giảm nhẹ hoặc tăng thấp do mưa bão nhiều nên nhu cầu đối với du lịch, khách sạn không cao. Như vậy, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa 8 tháng đầu năm đạt 1.929.816 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2012. Trong cơ cấu ngành, nhóm có mức tăng cao là nhóm dịch vụ, khách sạn, nhà hàng; các nhóm thương nghiệp, dịch vụ tăng thấp hơn mức tăng chung (lần lượt là 11,63% và 6,72%). Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ 8 tháng đầu năm 2013 tăng 5,05% so với cùng kỳ năm 2012, như vậy sức mua thực tế đã có chuyển biến tích cực hơn so với các tháng trước (lũy kế tổng mức các tháng trước chỉ tăng từ 4,6-4,8%).
Đáng chú ý trong tháng qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 đã tăng 0,83% so với tháng 7. Trong cơ cấu CPI tháng 8, nhóm có mức tăng cao nhất và ảnh hưởng lớn nhất đến mức tăng tháng 8 là nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 4,11%), do phần dịch vụ y tế tăng cao (Thủ đô Hà Nội điều chỉnh tăng phí dịch vụ y tế từ 1/8/2013); tiếp đến là nhóm giao thông (tăng 1,11%) do ảnh hưởng của giá xăng dầu điều chỉnh tăng trong các tháng trước đó; nhóm giáo dục và nhà ở vật liệu xây dựng cũng là những nhóm có mức tăng cao (tăng lần lượt 0,9% và 0,88%) do nhu cầu của nhiều hàng hóa phục vụ năm học mới bắt đầu tăng, điều chỉnh học phí của một số địa phương và ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá LPG đến nhóm nhà ở. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống mặc dù không tăng cao (tăng 0,54%) nhưng do có tỷ trọng lớn nên cũng ảnh hưởng đến mức tăng CPI chung do các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng (ảnh hưởng của mưa bão tại một số địa phương và nhu cầu tăng trong rằm tháng 7). Các nhóm còn lại tăng từ 0,22-0,44%, riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,02%.
Như vậy CPI 8 tháng đầu năm đã tăng 3,53% so với tháng 12/2012. Trong các nhóm hàng, nhóm có mức tăng cao nhất vẫn là nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 18,62%) do một số địa phương tiếp tục điều chỉnh tăng phí dịch vụ y tế; tiếp đến là các nhóm may mặc mũ nón giầy dép, giao thông và nhóm đồ uống thuốc lá tăng lần lượt 4,56%, 3,62% và 3,27% do các sự tăng giá của các mặt hàng như xăng dầu, đồ dùng gia đình và các mặt hàng thuộc nhu cầu Tết tăng trong các tháng đầu năm; các nhóm còn lại tăng từ 1,36%-3,06%, riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,5%.
Theo các chuyên gia, dự báo trong tháng 9 giá cả hàng hóa trên thị trường sẽ có xu hướng nhích lên do trong mùa mưa bão, ảnh hưởng từ giá hàng hóa thế giới, nhu cầu một số hàng hóa cao hơn trong dịp Tết trung thu và giai đoạn chuyển mùa, độ trễ ảnh hưởng của một số chi phí đầu vào, việc điều chỉnh tăng học phí tại một số địa phương…Tuy nhiên do nguồn cung hàng hóa vẫn luôn đáp ứng tốt nhu cầu, trong khi sức mua chưa được cải thiện nhiều nên giá các hàng hóa sẽ không tăng đột biến, mặt bằng giá tháng 9 so với tháng 8 sẽ chỉ tăng nhẹ.