Ngăn chặn kịp thời tình trạng gia cầm nhập khẩu trái phép là nhiệm vụ chính trị quan trọng và cấp bách
Phóng viên: Ngày 14/02 vừa qua, Cục Quản lý thị trường đã có công văn hỏa tốc số 147/QLTT-KSCHH về việc ngăn chặn và ứng phó với vi rút cúm A/H7N9, xin ông cho biết mục đích và nội dung cụ thể của công văn này?
Ông Đỗ Thanh Lam: Mục đích của công văn hỏa tốc số 147/QLTT-KSCHH là triển khai ngay các hoạt động để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về ngăn chặn và sẵn sàng ứng phó với vi rút cúm A/H7N9. Công văn này có 05 nội dung chủ yếu:
Một là, quán triệt đầy đủ tinh thần và nội dung Công điện số 133/CĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan qua biên giới; Công điện số 2245/CĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2013 về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tới toàn thể công chức, người lao động của đơn vị, về tầm quan trọng của việc phòng chống vi rút cúm gia cầm từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam.
Các Chi cục phải coi việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép để giảm thiểu xâm nhập và lây lan dịch bệnh từ các nước qua con đường nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm vào nước ta là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách của đơn vị mình hiện nay và trong thời gian tới.
Hai là, Chi cục QLTT 19 tỉnh, thành phố Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Điện Biên báo cáo cấp Ủy và chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nội dung của Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép (Đề án 2088).
Ba là, xây dựng kế hoạch và chủ động tăng cường phối hợp với cơ quan thú y và các lực lượng chức năng khác để kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch trên địa bàn được phân công quản lý. Các tỉnh biên giới thông báo cho các địa phương phía sau tình hình vi phạm để kịp thời có phương án kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm.
Những trường hợp vi phạm pháp luật có quy mô lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương hoặc những vấn đề phát sinh đột xuất, các Chi cục kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Cục QLTT để tổ chức phối hợp xử lý. Quá trình kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm phải thực hiện đúng quy định, trình tự, thủ tục, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, không gây phiền hà, ách tắc vận chuyển, buôn bán của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính. Công bố các vụ việc vi phạm pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bốn là, ưu tiên và tập trung nhân lực, vật lực của Chi cục để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngoài việc kiểm tra, kiểm soát, cần tổ chức tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân không vận chuyển, kinh doanh gia cầm và phụ phẩm không rõ nguồn gốc; phát hiện và thông báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng các trường hợp vi phạm pháp luật. Khuyến cáo người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm an toàn, có nguồn gốc, đã qua kiểm dịch.
Năm là, Cục QLTT sẽ cử các đoàn công tác do Cục trưởng đi một số tỉnh biên giới phía Bắc để kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các Chi cục thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, ngăn chặn gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép và một số công việc có liên quan khác.
Phóng viên: Theo nội dung công văn này, các Chi cục QLTT phải coi việc phòng chống buôn bán gia cầm nhập khẩu trái phép, giảm thiểu sự xâm nhập lây lan của dịch bệnh là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vậy, lực lượng QLTT đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nào để tăng cường phòng chống buôn lậu gia cầm qua biên giới?
Ông Đỗ Thanh Lam: Để phòng chống buôn bán gia cầm nhập khẩu trái phép, giảm thiểu sự xâm nhập lây lan của dịch bệnh, ngay trong ngày thứ Bảy (15 tháng 02 năm 2014), Cục QLTT đã thành lập đoàn công tác do Cục trưởng Cục QLTT làm Trưởng đoàn đi đôn đốc các Chi cục QLTT Lạng Sơn, Quảng Ninh và Bắc Giang triển khai Công điện số 200. Đoàn công tác đã làm việc với Lãnh đạo các Chi cục nêu trên, làm việc trực tiếp với Đội QLTT Lộc Bình, Đình Lập (Lạng Sơn), kiểm tra các chốt Yên Than, Ba Chẽ (Quảng Ninh), Sơn Động (Bắc Giang). Trong đêm ngày 20 tháng 02 năm 2014 công tác do Cục trưởng Cục QLTT làm Trưởng đoàn đi đôn đốc và kiểm tra tại tỉnh Hưng Yên và chợ Hà Vỹ thành phố Hà Nội.
Đến nay, các Chi cục QLTT đều đã quán triệt và xây dựng phương án/kế hoạch thực hiện Công điện số 133/CĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2014; Công điện 200 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời vẫn đang tiếp tục quyết liệt thực hiện Đề án 2088 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống cúm gia cầm lây qua biên giới. Đặc biệt, ngay sau khi nhận được thông tin về nội dung Công điện số 200 trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong ngày 14 tháng 02 năm 2014, Chi cục QLTT Quảng Ninh đã xây dựng ngay phương án số 61/PA-QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của vi rút cúm A/H5N1, H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác.
Theo báo cáo của các Chi cục QLTT tình hình vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu giảm mạnh. Tuy nhiên, các Chi cục đều đề cao cảnh giác, không chủ quan trước diễn biến tình hình vì từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT vẫn bắt giữ được các vụ vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch: Quảng Ninh xử lý 02 vụ vận chuyển 500 con gà sống chưa qua kiểm dịch; Lạng Sơn xử lý 16 vụ, thu giữ 646kg chim bồ câu, 100kg gà thịt, 1.120kg nầm lợn, 2.950 con gia cầm giống; Bắc Giang xử lý 07 vụ, thu giữ 690 con chim bồ câu.
Phóng viên: Việc buôn lậu gia cầm trái phép thường trải dài trên các tuyến biên giới, trong khi đó cán bộ kiểm tra, kiểm soát còn mỏng. Để nâng cao hiệu quả việc phòng chống dịch, ông có thế cho biết phương án phối hợp giữa lực lượng QLTT với các đơn vị liên quan?
Ông Đỗ Thanh Lam: Tại các tỉnh biên giới, địa bàn trọng điểm: để nâng cao hiệu quả việc phòng chống dịch, lực lượng QLTT các tỉnh có chung đường biên giới với các quốc gia khác đều phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển gia cầm qua biên giới thông qua việc phối hợp với lực lượng Biên phòng, Hải quan và các lực lượng khác trên địa bàn; Thông báo cho các địa phương phía sau tình hình vi phạm để kịp thời có phương án kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm; Tham gia các chốt kiểm dịch để kiểm tra, ngăn chặn gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch, có khả năng lây nhiễm dịch bệnh; Chủ trì hoặc tham gia các Đội kiểm tra cơ động tại các địa phương, cụ thể:
Tại Lạng Sơn: Đội QLTT huyện Lộc Bình phối hợp với lực lượng Biên phòng lập các lán chốt liên tục 24 giờ hằng ngày để kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu Chi Ma, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển gia cầm nhập lậu. Điều động Đội QLTT cơ động tập trung vào công tác phòng chống gia cầm nhập lậu;
Tại Quảng Ninh: UBND tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 06 chốt kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, trong đó lực lượng QLTT tham gia hoặc được chỉ định làm Tổ trưởng. Chi cục QLTT Quảng Ninh đã điều động Đội QLTT cơ động của Chi cục lên đóng tại Tiên Yên để ngăn chặn sự xâm nhập của gia cầm, sản phẩm gia cầm từ biên giới;
Tại Bắc Giang: thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành cơ động phòng chống dịch do một Chi cục phó Chi cục QLTT Bắc Giang làm Tổ trưởng. Điều động Đội QLTT cơ động tập trung vào công tác phòng chống gia cầm nhập lậu.
Đối với các tỉnh trong nội địa: cần xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu trên các tuyến đường bộ, đường thủy, đường sắt, chú trọng các điểm tập kết gia súc, gia cầm để tiêu thụ trong nội địa, đặc biệt là khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các vùng giáp ranh giữa các thành phố, thị xã với các tỉnh và địa bàn ven đô; thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an trong công tác kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc trên các phương tiện vận tải; Làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi chống đối, hành hung người thi hành công vụ; xử phạt và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các chủ phương tiện vận chuyển vi phạm hoặc tái phạm vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trái phép, chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ban quản lý các chợ thực hiện đúng nội quy, quy chế hoạt động của chợ, tăng mật độ kiểm tra, giám sát; Đặc biệt lưu ý kiểm tra các trường hợp gian lận như xé bao bì, trộn lẫn các sản phẩm gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, góp phần từng bước xây dựng nếp sống văn minh thương nghiệp và tạo sự an toàn cho người tiêu dùng.
Phóng viên: Một trong những nguyên nhân góp phần làm gia tăng việc buôn bán gia cầm nhập khẩu trái phép là do chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chủ yếu mới là các xử phạt hành chính. Trong thời gian tới, theo ông cần có những hướng xử lý “mạnh tay” như thế nào?
Ông Đỗ Thanh Lam: Hiện nay nguyên nhân chính dẫn đến việc gia tăng buôn bán gia cầm nhập khẩu trái phép là nguồn lợi nhuận khổng lồ do chênh lệch giá giữa gà nhập khẩu trái phép và gà trong nước. Do vậy, một số đối tượng vì hám lợi đã bất chấp quy định của luật pháp, sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi để vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập khẩu trái phép.
Các chế tài xử phạt hiện nay đã được các cơ quan quản lý nhà nước cân nhắc, vừa đảm bảo răn đe, vừa có tính khả thi, bằng chứng là trong 01 năm qua các cấp, các ngành, các lực lượng đã ngăn chặn được cơ bản nạn buôn bán, vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập khẩu trái phép. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, vì lợi nhuận các đối tượng làm ăn phi pháp không từ bất cứ một thủ đoạn nào, vì vậy quá trình kiểm tra, kiểm soát chúng ta cần chú trọng làm rõ các phương thức, thủ đoạn của đối tượng vi phạm để có giải pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, đồng thời khi phát hiện hành vi vi phạm cần xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.
Phóng viên: Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, việc tuyên truyền đối với người dân, đặc biệt là người dân tại các vùng biên cũng hết sức quan trọng. Các Chi cục QLTT địa phương đã có những phương án tuyên truyền gì, thưa ông?
Ông Đỗ Thanh Lam: Không chỉ các Chi cục QLTT các tỉnh biên giới mà lực lượng QLTT cả nước đều xây dựng các phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát đồng thời lồng ghép công tác tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân không vận chuyển, kinh doanh gia cầm và phụ phẩm không rõ nguồn gốc; phát hiện và thông báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng các trường hợp vi phạm pháp luật. Việc tuyên truyền thông qua nhiều hình thức: qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực tiếp thông qua các cuộc họp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp khuyến cáo người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm an toàn, có nguồn gốc, đã qua kiểm dịch.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông.