Năng lượng điện tại Myanmar
Năng lượng điện là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mọi nền kinh tế quốc dân nói chung và Myanmar nói riêng. Những năm gần đây, hệ thống cung cấp và mạng lưới truyền tải điện đã được cải thiện đáng kể tại Myanmar, góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất, dịch vụ và đời sống của người dân trong nước.
Tuy nhiên, so với các nước ASEAN, Myanmar vẫn là nước có tỷ lệ người dân tiếp cận điện thấp, nhiều nơi điện không ổn định và yêu cầu phát triển hơn nữa năng lượng điện còn cấp bách.
Cách đây khoảng 10 năm, nếu ai có dịp sang Yangon – nơi được coi là thủ phủ kinh tế, thương mại của Myanmar, nhiều đường phố và khu vực của thành phố vẫn còn thưa thớt ánh đèn, đâu đó tiếng máy nổ chạy bằng dầu phát điện cho những căn biệt thự của giới khá giả trong thành phố. Thiếu điện, cùng với những khó khăn về kinh tế làm cho đa số người dân nơi đây mịt mù về tương lai.
Những cải cách kinh tế và chính sách mở bắt đầu từ thời Tổng thống Thein Sein, cùng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phát của Phương Tây đối với đất nước đau khổ này đã đưa Myanmar dần trở lại với thế giới sau những năm tháng chìm trong quên lãng. Từ đây, năng lượng điện là một trong những vấn đề quan trọng nhất chương trình nghị sự của Chính phủ. Chính phủ NLD được bầu năm 2015 cũng đã đưa ra những chương trình năng lượng điện đầy tham vọng và sau đó thực hiện quyết liệt, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm cải thiện tình trạng kinh tế, xã hội của đất nước. Để làm được điều này, Chính phủ đã thực hiện các dự án nhà máy điện, xây dựng những hệ thống lưới điện mỗi năm với kinh phí đầu tư rất lớn.
Công suất điện của Myanmar đã được nâng từ khoảng 3.896 MW năm 2012 lên tới khoảng 6.034MW (tính đến tháng 5/2020). Trong đó, nguồn điện của Myanmar chủ yếu từ thủy điện, chiếm khoảng 54% điện nước này, trong khi đó nguồn điện từ gas vào khoảng 41%, 3% điện còn lại được sản xuất từ than, dầu và năng lượng mặt trời. Thủy điện vẫn là nguồn sản xuất điện với giá rẻ nhất với chi phí sản xuất cho mỗi đơn vị điện tại các nhà máy thủy điện của nhà nước khoảng 12 MMK, của từ nhân là 72 MMK (1.230 VNĐ). Trong khi đó, chi phí sản xuất điện bằng gas khoảng 150-190MMK (2.560-3.246VNĐ), của điện mặt trời vào khoảng 195MMK (3.331VNĐ).
Myanmar có khoảng 10.877.000 hộ gia đình tại 63.277 làng xã. Nếu như, chỉ có khoảng 35% hộ gia đình của Myanmar (khoảng 3,7 triệu hộ) có điện vào năm 2015 thì cho đến năm 2019, khoảng 50,9% hộ gia đình của nước này (5,44 triệu hộ) đã được dùng điện lưới quốc gia. Có khoảng 368/489 quận/huyện/thị trấn trong cả nước đã kết nối với mạng lưới truyền tải điện quốc gia. Mức tiêu thụ điện bình quân trên đầu người của Myanmar cũng đã được nâng lên đáng kể, từ 108 kilowatt/giờ năm 2010 lên 379 kilowatt/giờ năm 2019. Tiêu thụ điện của người dân hiện tăng vào khoảng 15-19%/năm.
Đối với lĩnh vực đầu tư, sản xuất, khả năng và sự ổn định trong cung cấp điện ảnh hưởng rất lớn đến sức hút đầu tư vào Myanmar. Myanmar có lợi thế nhất định hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài vào đây như là nước có diện tích lớn nhất trong Đông Nam Á lục địa, giáp biên giới với 40% dân số thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan…), dân số trên khoảng 54 triệu người với tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, tài nguyên và nhân lực với chi phí thấp dồi dào… Tuy nhiên, những năm qua, sự thiếu hụt và không ổn định nguồn cung cấp điện đã gây quan ngại cho giới đầu tư quốc tế.
Theo dự báo của WB, nhu cầu điện của Myanmar sẽ vào khoảng 8.600MW năm 2025 và 12.600MW. Chính phủ Myanmar cũng đã đưa ra mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng điện trong vòng 10 năm tới. Để đáp ứng nhu cầu điện trong nước được dự báo cũng như phục vụ sản xuất, công nghiệp hóa hiện đại hóa và điện hóa vùng nông thôn, tạo sức hút cho đầu tư nước ngoài vào Myanmar, Chính phủ nước này đã và đã mời gọi đầu tư vào nhiều nhà máy điện trên toàn quốc.
Hiện nay, trong số 129 dự án thuộc Ngân hàng Dự án Myanmar đang thực hiện hoặc mời gọi đầu tư (các dự án trọng điểm) thì có đến 27 dự án liên quan đến phát triển các nhà máy điện và hệ thống truyền tải với tổng vốn đầu tư vào khoảng 6,1 tỷ USD với tổng công suất vào khoảng 2.772MW (không bao gồm dự án thủy điện tai tiếng Myitsone 3,6 tỷ USD của Trung Quốc đầu tư tại Myanmar bị phía Myanmar hoãn vô thời hạn).
Mới đây, Tập đoàn Sumitomo và Tập đoàn Mitsui & Co đã đưa ra dự án điện với tổng vốn đầu tư đăng ký vào khoảng 1,5-2 tỷ USD, dự kiến hoàn thành và vận hành vào năm 2025 với công suất 1.250MW, bằng 20% tổng công suất hiện hành của các nhà máy điện tại nước này. Chính phủ cũng đã mời thầu xây dựng cho nhiều nhà máy điện mặt trời với công suất 1.060MW. Các dự án sản xuất và truyền tải điện của Myanmar được huy động từ nguồn đầu tự nhà nước, vay viện trợ, hợp tác tư nhân, đầu tư nước ngoài. Nhằm giúp Myanmar đạt được mục tiêu mọi người dân đều được tiếp cận điện, Ngân hàng thế giới WB đã duyệt khoản tín dụng 350 triệu USD. Nếu như muốn đạt được mục tiêu này, dự kiến Myanmar sẽ phải nâng gấp đôi công suất trong 5-7 năm tới.
So với Myanmar, Việt Nam có khả năng cung cấp điện vượt trội hơn rất nhiều với công suất cực đại vào khoảng 41.237MW năm 2020, tăng gần 8% so với năm trước đó. Điều này đảm bảo cho các hoạt động sinh hoạt, sản xuất và dịch vụ của đất nước với quy mô cũng lớn hơn nhiều so với Myanmar. Tỷ lệ các hộ gia đình được sử dụng điện của Việt Nam cũng rất cao so với Myanmar, vào khoảng 99%. Lợi thế về năng lượng điện vẫn đã và đang giúp Việt Nam cạnh tranh trong đầu tư sản xuất, thu hút đầu tư nước ngoài. Tùy vào mặt hàng và cấu thành giá sản phẩm của điện, nhưng nhìn chung khả năng cung cấp điện tốt đã hỗ trợ rất nhiều cho sản phẩm Việt Nam cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại tại một số thị trường bất lợi về năng lượng điện, trong đó có Myanmar. Với kinh nghiệm trong nước và đầu tư tại một số nước khu vực, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tham gia đầu tư vào lĩnh vực điện của Myanmar.
Mặc dù nhiều khó khăn trong việc cung cấp đủ và đảm bảo cho người dân mọi vùng/bang có thể tiếp cận điện (không chỉ yếu do hạ tầng mà còn do các cuộc xung đột tại một số khu vực), Chính phủ Myanmar đã và đang làm rất tốt, đẩy nhanh đầu tư sản xuất điện và xây dựng lưới điện quốc gia. Trong dài hạn, nếu khắc phục được bất lợi về việc cung cấp điện, Myanmar hoàn toàn có thể trở thành điểm thu hút đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Chính phủ Myanmar đang tích cực mời gọi các nhà đầu tư đối với các dự án năng lượng điện, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể nghiên cứu khả năng tham gia vào các gói thầu dự án này.
Nguồn: Copy link