Lô gạo thơm đầu tiên chính thức được xuất sang EU theo EVFTA
Sáng 22/9, tỉnh An Giang và Tập đoàn Lộc Trời tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên sang EU theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Lô hàng gồm 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 được đóng gói theo quy cách 18 kg, sẽ lên đường tới thị trường châu Âu vào cuối tháng 9.
Tại buổi lễ, đại diện Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn(NN&PTNT) trao giấy chứng nhận cho lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu gạo sang Châu Âu được hưởng thuế suất 0% như Hiệp định EVFTA đã ký kết giữa Việt Nam - EU.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, EU là thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu dân nhưng rất khắt khe đối với hàng hóa.
Đặc biệt, năm 2020 là năm khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế giới nhưng Việt Nam đã vượt qua khó khăn, ngành hàng lúa gạo đã vươn lên được như kỳ tích, tất cả các vụ đều được mùa, được giá. Hết tháng 8, Việt Nam đã xuất 4,6 triệu tấn gạo, với giá trị 2,25 tỉ USD và tăng 13% so cùng kỳ năm 2019.
"Đây là cơ hội lớn cho ngành hàng lúa gạo. Dù 80.000 tấn là nhỏ nhưng tiềm năng rất lớn. Bởi vì EU là thị trường nhập khẩu gạo rất lớn từ 2,3 – 2,5 triệu tấn/năm.
Vì vậy, khi EVFTA có hiệu lực, để tận dụng lợi thế này, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với bà con nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và chú ý đến bao bì, nhãn mác. Có như vậy mới khai thác tốt thị trường EU", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp khẳng định.
Ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, để chuẩn bị cho những bước đi dài hạn, Tập đoàn đã đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng lúa gạo, bao gồm cả khâu sản xuất và chế biến.
Đến nay, Lộc Trời đã đầu tư 5 nhà máy sản xuất gạo có vị trí trung tâm các vùng nguyên liệu lúa, liên kết tốt hệ thống đường bộ và đường thủy để vận chuyển thuận tiện nhất.
“Tất cả đều đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, nhà máy Thoại Sơn có đầy đủ các chứng nhận HACPP, HALAL và BRC đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất cao cấp của các thị trường khó tính tại EU, nhà máy Vĩnh Hưng có dây chuyền sản xuất gạo mầm Vibigaba từ lúa mùa ruộng tôm, tiến tới có chứng nhận GMP để xây dựng thương hiệu thực phẩm chức năng, đem lại lợi nhuận cao hơn nữa cho nông dân trồng giống lúa đặc sản này của Lộc Trời”, ông Huỳnh Văn Thòn cho biết.
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu gạo đi EU đạt trên 15.800 tấn gạo, với giá trị xấp xỉ 8,5 triệu USD. Trong khi đó từ ngày 4/9 đến ngày 17/9 đã có 6 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận với khối lượng xấp xỉ 4.300 tấn gạo thơm.
Xuất khẩu gạo trong đó có gạo thơm sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho dù vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19.