Kết quả Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC lần thứ 21
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Cẩm Tú dẫn đầu cùng các cán bộ của Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Công Thương, Ngoại giao và Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành về Hội nhập Kinh tế Quốc tế đã tham dự Hội nghị.
Năm 2015, chủ nhà Phi-líp-pin xác định chủ đề chính cho APEC là: “Xây dựng các nền kinh tế đồng đều, thiết lập một thế giới tốt đẹp hơn” (Building inclusive economies, building a better world), với bốn ưu tiên chính xuyên suốt hợp tác cả năm 2015 là: (i) Thúc đẩy chương trình nghị sự về Hội nhập kinh tế khu vực (REI); (ii) Tăng cường sự tham gia của các Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vào kinh tế khu vực và toàn cầu; (iii) Đầu tư phát triển nguồn nhân lực; và (iv) Duy trì xã hội bền vững và tự cường.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên, các nội dung chủ đạo của APEC năm 2015 tập trung vào việc đẩy mạnh hợp tác đối với các nội dung kinh tế, thương mại, đầu tư, đồng thời đảm bảo tính kế thừa liên tục của hợp tác APEC trong những năm qua - với vai trò là diễn đàn hợp tác kinh tế lớn nhất khu vực, tập trung nguồn lực để hợp tác và đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực (REI) trong thời gian tới. Theo đó, tại MRT 21, các Bộ trưởng đã tập trung thảo luận những nội dung chính sau:
(i) Ủng hộ Hệ thống thương mại đa phương, đẩy mạnh đàm phán Vòng Đô-ha và chống chủ nghĩa bảo hộ: Tổng Giám đốc WTO, ông Rô-béc-tô A-zê-vê-đô đã chia sẻ về tình hình và thực trạng các cuộc đàm phán tại Giơ-ne-vơ và kêu gọi các thành viên APEC tăng cường nỗ lực nhằm đạt được những kết quả tích cực cho đàm phán Đô-ha, đặc biệt là gói cam kết Ba-li, đảm bảo thành công của Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 10 (MC10), sẽ được tổ chức tại Kê-ni-a vào tháng 11 năm nay. Các Bộ trưởng tại MRT 21 đã phát biểu thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với hệ thống thương mại đa phương, coi đây là nền tảng của thương mại quốc tế, thúc đẩy thương mại toàn cầu, tạo công ăn việc làm và đảm bảo phát triển bền vững.
Các Bộ trưởng đánh giá cao tầm quan trọng của việc xây dựng Chương trình làm việc hậu Ba-li, nhanh chóng đưa Hiệp định Thuận lợi hoá thương mại (TFA) đi vào thực hiện, tiếp tục nỗ lực giải quyết các vấn đề cơ bản về nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ..., coi đây là những mấu chốt quan trọng để hướng tới MC 10 vào cuối năm nay. MRT 21 nhất trí thông qua Tuyên bố riêng của các Bộ trưởng Thương mại APEC về việc Ủng hộ Hệ thống Thương mại Đa phương.
(ii) Thúc đẩy chương trình nghị sự về Hội nhập Kinh tế Khu vực (REI): MRT 21 nhất trí việc APEC tiếp tục tăng cường REI trong thời gian tới. Các Bộ trưởng cam kết việc thực hiện thành công mục tiêu Bô-go theo đúng thời hạn vào năm 2020, nhằm hướng tới một khu vực thương mại và đầu tư tự do và mở. Về sáng kiến thành lập FTAAP, các Bộ trưởng hoan nghênh những kết quả đã đạt được trong quá trình hiện thực hóa FTAAP, bao gồm việc thành lập Nhóm đặc trách APEC về FTAAP, thông qua các điều khoản tham chiếu của Nghiên cứu Chiến lược Chung về các vấn đề liên quan đến FTAAP cũng như việc thành lập Nhóm biên soạn chính của nghiên cứu FTAAP, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, các Bộ trưởng tiếp tục thể hiện sự ủng hộ đối với việc tập trung nguồn lực nhằm thực thi các sáng kiến như: Kế hoạch chiến lược về kết nối APEC; Kế hoạch chiến lược về chuỗi giá trị; Hoàn thành việc giảm thuế đối với Danh mục Hàng hoá Môi trường APEC gồm 54 mặt hàng; Đẩy mạnh thực thi sáng kiến về Nhu cầu xây dựng năng lực APEC (CBNI). MRT 21 cũng bày tở sự ủng hộ đối với sáng kiến của chủ nhà Phi-líp-pin về xây dựng “Khuôn khổ hợp tác về dịch vụ” và “Cơ sở dữ liệu APEC”.
(iii) Tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs) vào thị trường khu vực và toàn cầu: nhận thức được tầm quan trọng về vai trò của các MSMEs đối với sự tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội trong khu vực, chủ nhà Phi-líp-pin đã đưa ra sáng kiến về xây dựng “Chương trình nghị sự hành động Boracay về MSMEs”, nhằm thúc đẩy việc toàn cầu hóa các MSMEs. Sáng kiến này xác định các lĩnh vực hợp tác và những rào cản mà các MSMEs gặp phải trong quá trình thâm nhập thị trường khu vực và toàn cầu để đưa ra các giải pháp chính sách hỗ trợ các MSMEs một cách phù hợp.
Tại MRT 21, đoàn Việt Nam đã phát biểu khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; ủng hộ Hệ thống thương mại đa phương và quá trình đàm phán thương mại trong WTO, đặc biệt là triển khai các kết quả hậu Ba-li của MC9; sự cần thiết đạt được mục tiêu Bô-go đúng thời hạn thông qua các sáng kiến hợp tác cụ thể, thiết thực, cũng như giải quyết các rào cản thương mại và đầu tư. Việt Nam cũng nhấn mạnh ưu tiên của Việt Nam đối với các nội dung hợp tác APEC về: kết nối chuỗi cung ứng, hỗ trợ các MSMEs trong quá trình hội nhập và phát triển, tăng cường hợp tác kinh tế-kỹ thuật, đẩy mạnh khai phá các sáng kiến mới về thương mại và đầu tư, v.v...