Indonesia dự kiến sẽ phải nhập khẩu 500.000 tấn gạo dự trữ quốc gia
Sau 03 năm không phải nhập gạo dự trữ quốc gia, Indonesia dự kiến Indonesia sẽ phải nhập khẩu 500.000 tấn gạo dự trữ trong năm 2022. Các nguồn thông tin thu thập được cho thấy, nguồn nhập khẩu dự kiến mà nước này đang xem xét đến từ Thái Lan, Pakistan, Myanmar và Việt Nam.
Theo thông tin từ buổi làm việc của Ủy ban IV của Hội đồng Đại biểu nhân dân (tức Hạ viện Indonesia) với đại diện Bộ Nông nghiệp, Cơ quan lương thực quốc gia, Cơ quan hậu cần (Perum Bulog) và một số công ty lương thực nhà nước của nước này vào ngày 23/11/2022, lượng gạo dự trữ quốc gia của Indonesia hiện đang xuống rất thấp. Lượng gạo dự trữ quốc gia tính tới ngày 22/11/2022 đã xuống dưới 600.000 tấn (giảm từ 651.000 tấn vào ngày 13/11/2022). Trong khi theo báo cáo của Perum Bulog, Cơ quan này sẽ cần khoảng 150.000-200.000 tấn gạo để bình ổn giá thị trường mỗi tháng và nếu không có nguồn gạo bổ sung, lượng gạo dự trữ chỉ còn khoảng 300.000 tấn vào cuối năm 2022.
Theo Chủ tịch Perum Bulog, Cơ quan này đang tích cực mua gạo dự trữ từ trong nước và buộc phải mua gạo theo giá thị trường nhưng vẫn không có đủ gạo để thu mua. Tính tới 22/11/2022, Perum Bulog đã thu mua từ trong nước được 912 nghìn tấn gạo dự trữ. Từ tháng 07/2022, việc thu mua gạo trở nên khó khăn do nguồn cung nội địa hạn chế cho dù đã liên tục tăng giá thu mua từ mức 8,300 Rp/kg lên 8,800 Rp/kg và đến nay đã phải thu mua theo giá thị trường là từ 8.900-10.200 Rp/kg, nhưng lượng gạo thu mua được không vượt quá 100.000 tấn. (Tỷ giá: 1 USD tương ứng 15.600 Rp).
Về tính xác thực số liệu lượng gạo tồn trong nước theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp là 6 triệu tấn tính tới cuối tháng 12/2022 và tuyên bố của Bộ này về khả năng có thể cung ứng 600.000 tấn gạo từ trong nước nếu mua theo giá thị trường, Chủ tịch Ủy ban IV của Hội đồng Đại biểu nhân dân Indonesia đã có quyết định tại phiên họp theo đó, trong vòng 06 ngày kể từ phiên họp ngày 23/11/2022, nếu không thể mua đủ 600.000 tấn từ trong nước, thì số liệu của của Bộ Nông nghiệp là không có giá trị.
Năm 2022, Indonesia đề ra mục tiêu sản xuất 55,2 triệu tấn thóc (tương đương 31,68 triệu tấn gạo quy đổi) so với mức sản lượng đạt được trong năm 2021 là 54,42 triệu tấn thóc (tương đương 31,36 triệu tấn gạo quy đổi). Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, sản lượng gạo sản xuất trong 9 tháng đầu năm của nước này ước đạt 26,45 triệu tấn, nhu cầu tiêu dùng gạo ước tính vào 22,72 triệu tấn. Tính đến cuối tháng 9/2022, sản lượng gạo sản xuất trong 9 tháng đầu năm 2022 thặng dư khoảng 3,73 triệu tấn. Nếu tính chung tổng sản lượng gạo tồn từ năm 2021 chuyển sang thì lượng gạo dư thừa tính hết đến cuối tháng 9/2022 là khoảng 10,1 triệu tấn, tăng từ mức 9,71 triệu tấn (vào thời điểm cuối tháng 6/2022) và đến cuối năm 2022, lượng gạo tồn ước tính là khoảng hơn 06 triệu tấn. Tuy nhiên, dư luận Indonesia đang đặt nghi vấn về tính xác thực về lượng gạo tồn do Bộ Nông nghiệp Indonesia công bố do lượng gạo dự trữ thu mua thấp cho dù đã điều chỉnh giá thu mua của Chính phủ theo giá thị trường.
Giá thóc và giá gạo tại Indonesia đang có xu hướng gia tăng từ tháng 7/2022 trở lại đây, với giá bán thóc từ nông dân tăng thêm 15,7% so với mức 4.865 Rp/kg (0,328 usd/kg) trong tháng 8/2022, giá bán thóc tại nhà máy xay xát tăng 11,4% và giá bán gạo phẩm cấp trung bình ở cấp độ người tiêu dùng tăng thêm 4,4% từ mức 10,700 Rp/kg (0,69 USD/kg) trong tháng 7/2022 lên mức 11.180 Rp/kg (0,72 USD/kg) vào thời điểm hiện tại. Giá gạo phẩm cấp cao bán lẻ trung bình hiện ở mức 12.770 Rp/kg (0.83 USD/kg).
Do lượng gạo dự trữ thấp, nguồn cung trong nước rất hạn chế cho dù Perum Bulog đã tăng giá thu mua và đã thực hiện thu mua theo giá thị trường. Bên cạnh đó, mùa thu hoạch lúa tiếp theo của Indonesia sẽ tập trung vào tháng 03 và tháng 04 năm sau trong bối cảnh gạo là mặt hàng lương thực thiết yếu và Chính phủ Indonesia sẽ ưu tiên bình ổn giá cả thị trường, không để gia tăng giá quá mạnh khiến lạm phát cao, ảnh hưởng tới đời sống dân sinh, trật tự xã hội. Chủ trương của Chính phủ Indonesia phải đảm bảo đủ lượng gạo dự trữ 1,2 triệu tấn trong thời gian sớm nhất để tránh những tác động tiêu cực (về an ninh lương thực) từ tình hình địa chính trị thế giới hiện nay đối với Indonesia trở nên hết sức cấp thiết. Để tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo sang Indonesia, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt quan tâm (đặc biệt các doanh nghiệp trước đây đã từng có giao dịch bán gạo dự trữ cho Indonesia) cần chủ động gửi bản giá chào tới Perum Bulog trong thời gian sớm nhất để quảng bá xúc tiến sản phẩm của mình.