Dự án Bauxit – Alumin: Tiêu thụ sản phẩm hoàn toàn khả thi
Công nghệ an toàn với môi trường
Báo cáo về tình hình thực hiện dự án, Vinacomin cho biết, Dự án Tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm Đồng có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 650.000 tấn alumin/năm. Tình hình thực hiện Dự án trên đến tháng 4/2013 như sau:
Về phần Khai thác mỏ bauxit, công tác xây dựng cơ bản mỏ đã hoàn thành. Đến nay đã khai thác được trên 1,6 triệu tấn quặng bauxit.
Về phần Nhà máy tuyển quặng bauxit, công tác xây dựng cơ bản đã cơ bản hoàn thành và bàn giao đưa nhà máy vào sản xuất. Tính đến 4/2013 đã sản xuất được trên 265.000 tấn quặng tinh bauxit.
Đối với Nhà máy alumina, công tác xây dựng cơ bản cũng đã cơ bản hoàn thành. Đến ngày 25/12/2012 đã có sản phẩm alumin đầu tiên. Tính đến tháng 4/2013 đã sản xuất được 28.600 tấn alumin và 16.700 tấn hydrate (Chưa đưa vào nung để ra alumin). Về chất lượng sản phẩm alumin đã cơ bản đạt chất lượng theo yêu cầu của hợp đồng (Hàm lượng AL2O3 > 98,6%). Dự kiến trong tháng 5/2013 sẽ tiến hành chạy đồng bộ các chỉ tiêu để bàn giao đưa nhà máy vào sản xuất.
Như vậy, tính đến tháng 4/2013, tổng giá trị đã thực hiện của toàn bộ dự án đạt khoảng 11.612 tỷ đồng, tổng giá trị đã giải ngân đạt khoảng 11.125 tỷ đồng.
Công trường nhà máy sản xuất alumina Nhân Cơ: Lắp đặt lò nung |
Đối với Dự án Alumin Nhân Cơ - Đăk Nông, dự án có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 650.000 tấn alumin/năm. Tính đến tháng 4/2013, về khai thác mỏ bauxit, Vinacomin đang xem xét để trình Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt Báo cáo và Dự án cải tạo phục hồi môi trường, làm cơ sở để Vinacomin phê duyệt Dự án khai thác mỏ. Trong quá trình san gạt mặt bằng các hạng mục công trình của dự án Khu công nghiệp Nhân Cơ, Nhà máy Alumin Nhân Cơ và Nhà máy tuyển quặng bauxit Nhân Cơ, đã tận thu được khối lượng trên 1,5 triệu tấn quặng bauxit nguyên khai, đủ để phục vụ công tác chạy thử của nhà máy tuyển quặng và nhà máy alumin của dự án. Riêng về Nhà máy tuyển quặng bauxit, Vinacomin đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh một số nội dung của gói thầu EPC (bổ sung phạm vi cung cấp, thời gian thực hiện, giá gói thầu) để triển khai thực hiện.
Hiện nay, gói thầu EPC Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã triển khai thực hiện 72/73 hạng mục (còn hạng mục trồng cây xanh chưa thực hiện), toàn bộ thiết bị chủ yếu đã tập kết đến chân công trình, nhà thầu đang tiến hành lắp đặt thiết bị, khối lượng hoàn thành đạt khoảng 51%. Dự kiến hoàn thành đầu tư và có sản phẩm vào giữa năm 2014. Theo tính toán ban đầu, tổng giá trị đã thực hiện của toàn bộ dự án và một số dự án khác liên quan tính đến tháng 4/2013 đạt khoảng 6.836 tỷ đồng. Trong đó: Giải ngân gói thầu EPC Nhà máy Alumin đạt khoảng 4.606 tỷ đồng.
Cận cảnh bùn đỏ trong khu thải bùn đỏ sau khi thải khoảng 10 - 12 ngày đã đóng rắn tại khu thải bùn đỏ, nhà máy alumina Tân Rai |
Về vấn đề công nghệ, Vinacomin cho biết, 2 dự án đang thực hiện dùng công nghệ Bayer Bắc Mỹ, so với công nghệ của Hãng Pechiney (Pháp) thì mức tiêu thụ năng lượng tốn kém hơn khoảng 30% tổng mức thu sản phẩm. Có 27 nhà máy trên thế giới đang xử lý quặng thì 26 nhà máy dùng công nghệ Bayer Bắc Mỹ mà 2 dự án ở Việt Nam đang thực hiện. Công nghệ của Pháp là tách alumin ở nhiệt độ thấp với nồng độ kiềm cao, quá trình hòa tan kéo dài hơn so với công nghệ của châu Mỹ. Về chất lượng sản phẩm, hiệu suất hòa tách, hiệu suất thu hồi alumin tiêu hao nguyên liệu của 2 dự án đạt mức bình quân thế giới, chất lượng của công nghệ đang áp dụng ở 2 dự án so với sản phẩm công nghệ của Pháp đều có phần tạp chất nhỏ hơn. Về hiệu suất thu hồi nước, nhà máy alumin của Việt Nam tiêu thụ là 3,84m³/tấn, trong khi của Pháp là 4,7m³/tấn. Như vậy, công nghệ áp dụng ở nhà máy là tiên tiến và cao hơn so với công nghệ của Pháp.
Bể lắng tại nhà máy tuyển quặng bauxit Tân Rai, đến cuối tháng 4/2013, bùn thải quặng đã đạt được độ lắng theo thiết kế |
Về tác động của dự án với môi trường, đại diện Vinacomin cho rằng, khai thác bauxite chỉ có lợi cho môi trường chứ không gây hại, do sau khi lấy quặng xong thì lấy đất màu san, phục hồi lại, việc trồng cây sẽ càng tốt hơn. Về an toàn của nhà máy, Vinacomin cho biết, dự án áp dụng công nghệ thải bùn đỏ cho nhà máy Tân Rai cung cấp thải khô. Theo thiết kế trong quá trình trao đổi ngược, bùn đỏ được xử lý, có các thiết bị cô đặc, lắng lọc, làm đặc đạt 46,5% (tiêu chuẩn chỉ là 45%), và thải ra khu chứa bùn đỏ, khoảng 10 - 12 ngày sau thì bùn khô tự nhiên, có thể đi trên mặt hồ như bình thường, do đó không lo ngại về sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ. Được biết, đây là công nghệ tiên tiến mà các nhà máy thế giới đang sử dụng.
Dự án mang lại hiệu quả kinh tế
Quặng bauxit tinh sau tuyển của nhà máy tuyển quặng Tân Rai, quặng tinh sẽ được chuyển từ nhà máy tuyển quặng đến nhà máy sản xuất alumina trên hệ thống băng chuyền dài khoảng 5 km |
Giải đáp những băn khoăn của giới chuyên gia và dư luận về tính hiệu quả của dự án, Vinacomin cho biết: Hiện nay, Vinacomin đã thuê tư vấn tính toán và thẩm tra lại Tổng mức đầu tư và hiệu quả kinh tế dự án Tổ hợp bauxit - Nhôm Lâm Đồng và Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (Công ty CP Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp thẩm tra tổng mức đầu tư và hiệu quả kinh doanh Dự án Tổ hợp bauxit - Nhôm Lâm Đồng và Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng thẩm tra tổng mức đầu tư và hiệu quả kinh doanh Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ). Kết quả tính toán tại lại hiệu quả kinh tế của dự án cho thấy dự án có hiệu quả kinh tế, thời gian hoàn vốn của dự án Dự án Tổ hợp bauxit - Nhôm Lâm Đồng là 12 năm và Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ là 13 năm. Hàng năm Dự án Tổ hợp bauxit - Nhôm Lâm Đồng nộp ngân sách bình quân khoảng 460 tỷ đồng/năm và Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ nộp ngân sách bình quân khoảng 398 tỷ đồng/năm.
Tiêu thụ sản phẩm hoàn toàn khả thi
Về phương án tiêu thụ sản phẩm, Vinacomin đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm alumina với Công ty Marubeni Nhật Bản và Công ty HH Nhôm Vân Nam (Trung Quốc). Ngoài ra các công ty của Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Chalco Trading (Trung Quốc), Anh quốc, Malaysia,....cũng quan tâm xem xét mua alumin của Việt Nam. Trong thời gian tới, Vinacomin tiếp tục đàm phán với các đối tác để ký hợp đồng khi nhà máy vào hoạt động thương mại. Theo đánh giá tổng quan thì việc tiêu thụ sản phẩm của cả 2 dự án này là hoàn toàn khả thi. Hiện nay, Vinacomin đang triển khai việc tiêu thụ các sản phẩm chạy thử; Đã ký bán cho 8 khách hàng (6 khách hàng trong nước được 5.200 tấn alumin và 8.670 tấn hydrat và 2 khách hàng nước ngoài dự kiến tháng 5: 15.100 tấn alumin và tháng 6: 30.000 tấn alumin).
Sản phẩm của nhà máy alumina Tân Rai trong quá trình chạy thử |
Việc thực hiện 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ là 2 dự án thử nghiệm theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị (Thông báo số 245- TB/TW ngày 24/4/2009) và Chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ (Công văn số 650/TTg-KTN ngày 29/4/2009). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, do kinh tế thế giới suy thoái, ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính Việt nam (lãi vay tăng, tỷ giá tăng,…) và đầu tư bảo vệ môi trường,… đã tác động làm thay đổi tiến độ và hiệu quả kinh tế của 2 dự án so với ban đầu. Nhưng Dự án Tân Rai hiện đã ra sản phẩm, có thị trường tiêu thụ và sẽ có hiệu quả; dự án Nhân Cơ đang trong quá trình xây dựng, theo tính toán cũng sẽ có hiệu quả, riêng thời gian thu hồi vốn có kéo dài hơn so với ban đầu do các khó khăn nêu trên. Các dự án này triển khai trên các địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, thiếu đồng bộ, … nhưng Vinacomin đã chủ động phối hợp với địa phương và nhận được sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân trên địa bàn dự án, đồng thời Vinacomin đã và đang thực hiện đúng chỉ đạo xây dựng ngành công nghiệp bauxit, alumin, nhôm, phục vụ phát triển kinh tế đất nước nói chung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên nói riêng". Và trên thực tế đã và đang từng bước đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương các tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông.