Điểm tin thị trường Thái Lan từ ngày 12- 16/10/2020
1. Cảnh báo ảnh hưởng của các cuộc biểu tình đến kinh tế Thái Lan
Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) vừa cảnh báo hàng loạt các cuộc biểu tình đã và đang diễn ra sẽ ảnh hưởng đến kinh tế nước này giữa bối cảnh kinh tế Thái Lan đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch cúm Covid-19. Các cuộc biểu tình chống Chính phủ nhằm mục đích yêu cầu Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha từ chức và một số khác chống lại hoàng gia.
FTI nhận định nếu các cuộc biểu tình không kéo dài, Thái Lan sẽ chỉ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong trường hợp biểu tình biến thành bạo động, kinh tế Thái Lan sẽ bị tác động mạnh. Bất ổn chính trị sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin, quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài, kinh tế trong nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa, lực lượng lao động. Trong quá khứ, Thái Lan đã nhiều lần đối mặt với chính trị bất ổn và đều vượt qua khủng hoảng do không bị các tác động cộng gộp khác. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, Thái Lan đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch cúm Covid-19 toàn, cộng thêm hệ lụy của các cuộc biểu tình sẽ càng khiến cho kinh tế Thái Lan khó phục hồi.
2. Tín hiệu tích cực trong triển vọng xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2020
Nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu của Thái Lan đưa ra nhận định về triển vọng xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2020 chỉ suy giảm ở mức -8%, tăng so với dự báo -10% đưa ra trước đó. Dự báo kim ngạch xuất khẩu trong quý IV/2020 đạt 19,5-20 tỉ USD mỗi tháng. Nhu cầu toàn cầu có xu hướng phục hồi là yếu tố ảnh hưởng tích cực đến triển vọng xuất khẩu nước này. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cảnh báo trước những yếu tố tiêu cực bao gồm chi tiêu tiêu dùng toàn cầu giảm, đồng Bạt tăng giá, chi phí vận chuyển tăng, giá dầu giảm, hạn hán và thiếu hụt lao động.
Do ảnh hưởng của dịch vúm Covid-19, nhóm các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng cũng có những thay đổi bao gồm thực phẩm (gạo chất lượng cao và cá thu đóng hộp), các sản phẩm phục vụ hoạt động làm việc tại nhà (thiết bị điện tử) và các sản phẩm phòng chống dịch bệnh (găng tay cao su). Số liệu đưa ra trước đó cho thấy kim ngạch xuất khẩu trong tháng 08/2020 đạt giá trị trên 20 tỉ USD – lần đầu tiên trong 05 tháng. Trong 08 tháng đầu năm, kim ngạch xuất và nhập khẩu giảm lần lượt 7,8% và 15,3% đạt mức 153 tỉ USD và 135 tỉ USD. Giá trị thặng dư thương mại đạt 18,4 tỉ USD.
3. Chỉ số niềm tin kinh doanh tăng trong tháng 09/2020
Tháng 09/2020, chỉ số niềm tin kinh doanh tăng tháng thứ tư liên tiếp nhờ các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp của Chính phủ trước những ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19. Chỉ số niềm tin kinh doanh tăng trong 04 tháng từ tháng 06-09 sau 14 tháng không ghi nhận mức tăng. Trước đó, Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Thái Lan cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế nước này từ mức -8,1% lên mức -7,6%.
Trong Quý II/2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính vào cuối thập niên 1990. GDP của Thái Lan cũng giảm 2,5% trong Quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19 lên các hoạt động kinh doanh.
Vào thời điểm cuối năm, loạt hoạt động bầu cử tại các tỉnh thành cũng sẽ góp phần tăng chỉ số niềm tin kinh doanh. Dự kiến khoảng 30 tỉ Bạt sẽ được chi tiêu cho các hoạt động, chiến dịch bầu cử vào thời gian này.
4. Thái Lan tăng cường thu hút khách du lịch nội địa
Hiệp hội Lữ hành Nội địa Thái Lan (ADT) vừa trình Bộ Thể thao và Du lịch đề xuất gói hỗ trợ du lịch hướng đến nhóm khách du lịch cao tuổi nhằm đạt mục tiêu thu hút thêm 1 triệu chuyến du lịch trong nước, tạo công ăn việc làm và hạn chế tình trạng doanh nghiệp đóng cửa. Ngân sách dự kiến của chương trình là 5 tỉ Bạt và sẽ được triển khai thông qua hình thức hỗ trợ 40% các chương trình lữ hành; mức hỗ trợ tối đa là 5.000 Bạt/ người, áp dụng tối đa cho khoảng 1 triệu người cao tuổi nằm trong nhóm tuổi 55-75. Người thân đi kèm vẫn sẽ phải chi trả mức thông thường và không được hưởng hỗ trợ của chương trình.
Qua khảo sát, khách du lịch cao tuổi đạt mức chi tiêu khoảng 2.532 Bạt/ ngày hoặc 7.595 Bạt đối với các chuyến du lịch kéo dài 03 ngày, 02 đêm. Chương trình dự kiến sẽ đóng góp 19 tỉ Bạt vào nền kinh tế Thái Lan và giúp đỡ khoảng 400.000 người hoạt động trong ngành du lịch bao gồm doanh nghiệp lữ hành, nhân viên và gia đình. Chương trình dự kiến tạo 50.000 – 100.000 công ăn việc làm cho các hướng dẫn viên du lịch.
5. Ngân hàng Thái Lan dự kiến triển khai thêm các chương trình tái cơ cấu nợ
Trong thời gian cuối năm 2020, Ngân hàng trung ương Thái Lan có kế hoạch triển khai chương trình tái cơ cấu nợ nhằm hỗ trợ người vay trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 và giữa thời điểm giai đoạn II chương trình gia hạn nợ kết thúc vào cuối năm nay. Giai đoạn I của chương trình gia hạn nợ sẽ kết thúc vào tháng 10/2020.
Chương trình tái cơ cấu nợ đặt mục tiêu nâng cao tính hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ hiện tại và đưa ra những giải pháp phù hợp với những vấn đề của người vay. Các biện pháp bao gồm gia hạn nợ, khoản vay mềm và các biện pháp liên quan. Riêng đối với khoản vay mềm, Ngân hàng trung ương Thái Lan trước đó đã thông qua ngân sách trị giá 500 tỉ Bạt. Các cơ quan quản lý sẽ thay đổi điều kiện chương trình cho phép người vay tiếp cận các khoản vay tốt hơn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng trung ương Thái Lan đã tiến làm việc với các tổ chức tài chính về khả năng thanh toán nợ của người vay, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa và khách hàng bán lẻ song song với việc đánh giá giai đoạn II chương trình gia hạn nợ. Qua trao đổi, khoảng 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa và người vay có đủ khả năng thanh toán nợ. Tuy nhiên, do sự phục hồi của nền kinh tế chưa rõ ràng, khả năng thanh toán nợ của người thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lữ hành vẫn khá bấp bênh.