Điểm tin thị trường Thái Lan từ ngày 07 - 11/09
1. Thái Lan triển khai giai đoạn 2 của gói hỗ trợ kinh tế
Thuộc gói hỗ trợ 400 tỷ bạt để phục hồi kinh tế, giai đoạn hai trị giá 90 – 100 tỷ bạt sẽ tập trung vào tạo việc làm, thúc đẩy du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động trong ngành ô tô, kỹ thuật số, tự động hóa và các ngành mục tiêu khác. Được triển khai từ tháng 10/2020, mục tiêu của gói hỗ trợ giai đoạn hai là phục hồi nền kinh tế Thái Lan trong quý 4/2020 và quý 1/2021.
Trước mắt khoản ngân sách trị giá 92,4 tỷ bạt sẽ được phân bổ để tạo ra 410.000 việc làm. Đồng thời, Nội các nước này đã thông qua 45,1 tỷ bạt tài trợ cho 69 dự án và 47,3 tỷ còn lại dự kiến sẽ được phê duyệt trong tháng này. Nền kinh tế Thái Lan dự báo sẽ giảm 8,5% trong năm nay, với lượng khách du lịch nước ngoài đạt chưa đến 1/5 so với gần 40 triệu của năm 2019.
2. Thái Lan hỗ trợ tiêu dùng nội địa và việc làm bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Trung tâm Ứng phó tình hình kinh tế (CESA) của chính phủ đã phê duyệt các biện pháp hỗ trợ tiêu dùng nội địa và việc làm bao gồm giảm chi phí sinh hoạt, hỗ trợ những người bán hàng rong; bổ sung thêm 2 ngày nghỉ phép năm cho công chức nhà nước. Đồng thời, bổ sung các quyền lợi cho người tham gia chương trình “We Travel Together” (tạm dịch là Du lịch cùng nhau).
Khi tham gia chương trình We Travel Together,du khách sẽ được giảm giá 40% khi lưu trú tại khách sạn với thời gian hỗ trợ tối đa 10 đêm/người, một phiếu mua sắm trị giá 900 Bạt/ngày và giảm 2.000 Bạt/vé máy bay.
Người bán hàng rong sẽ được trợ cấp 250 bạt/ngày hoặc 3.000 Bạt/ người. Khoảng 15 triệu người đủ điều kiện nhận gói hỗ trợ, cùng với 80.000 nhà cung cấp đồng ý tham gia chương trình.
Đồng thời, khoảng 260.000 sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2019-2020 sẽ được hỗ trợ tìm việc làm với mức lương từ 15.000 Bạt hoặc 9.400 Bạt cho sinh viên học nghề. Chính phủ sẽ hỗ trợ 50% tiền lương nhưng không quá 7.500 Bạt/tháng. Chương trình hỗ trợ có trị giá lên đến 23 tỷ Bạt, bắt đầu triển khai từ ngày 01/10/2020 đến 20/9/2021.
3. Thái Lan hỗ trợ xuất khẩu cọ dầu
Thái Lan kéo dài 3 tháng áp dụng chương trình bảo hiểm thu nhập của nông dân trồng cọ dầu mùa vụ 2019/20 đến tháng 12/2020, thay vì kết thúc vào tháng 9 /2020 như dự kiến ban đầu, đồng thờigiữ nguyên nguồn ngân sách đã được Nội các phê duyệt.
Chương trình thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm từ cây cọ được triển khai từ nay đến tháng 3/2021với mục tiêu giảm 300.000 tấn dầu cọ thô đang tồn kho. Thông qua Bộ Thương mại, Thái Lan phân bổ khoản ngân sách lên đến 618 triệu bạt để hỗ trợ chi phí lưu kho, sản xuất nhưng ở mức không quá 2 bạt/kg nguyên liệu thô.
Ngoài việc tăng cường tiêu thụ dầu cọ thô nhằm giảm dư cung trên thị trường, Thái Lan đã khuyến khích người dân sử dụng Diesel được sản xuất dừ dầu cọ thông qua mức giá ưu đãi rẻ hơn so với dầu Diesel thông thường (B7). Hiện tại, chênh lệch giá đối với dầu Diesel B10 rẻ hơn so với Diesel B7 ở mức 03 Bạt/lít và có 6.222 trạm cung cấp khoảng 18,45 triệu lít Diesel B10 mỗi ngày.
4. Triển vọng tích cực đối với giá cao su thiên nhiên Thái Lan
Với việc giá cao su nguyên liệu và xuất khẩu găng tay cao su của nước này tăng mạnh từ đầu năm đến nay do đại dịch Covid 19 khiến nhu cầu sản phẩm y tế từ cao su tăng vọt, Hiệp hội cao su Thái Lan lạc quan về giá cao su thiên nhiên sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, sau khi đã giảm mạnh từ năm 2017 do dư thừa nguồn cung trên toàn cầu.
7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu găng tay cao su của nước này tăng tới 38,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt kim ngạch 959 triệu usd, trong khi kim ngạch xuất khẩu găng tay cao su cả năm 2019 đạt 1,2 tỷ usd. Dự kiến cả năm 2020, sản xuất cao su của Thái Lan tăng 30% so với 2019.
Hiện Thái Lan đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu sản phẩm từ cao su và cao su nguyên liệu, sau Trung Quốc, Đức và Hoa Kỳ với kim ngạch năm 2019 đạt 11,2 tỷ usd. Riêng lĩnh vực sản xuất cao su thiên nhiên, Thái Lan đứng đầu thế giới với sản lượng năm 2019 đạt 4,8 triệu tấn, trong đó 4 triệu tấn dành cho xuất khẩu. Theo Hiệp hội Cao su Thái Lan, sản lượng cao su thiên nhiên cả năm 2020 ước đạt 4,5 triệu tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 3,8-3,9 triệu tấn.
Các thị trường tiêu thụ chính của Thái Lan gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN và Úc, trong đó xuất khẩu lốp cao su chiếm 51%, cao su tổng hợp chiếm 19% và găng tay cao su là 11%.
5. Thái Lan đầu tư 1,9 tỉ bạt cho nông nghiệp hữu cơ
Chính phủ Thái Lan thông qua khoản ngân sách trị giá 1,9 tỉ bạt cho 209 dự án nông nghiệp hữu cơ trong năm 2021. Ủy ban phát triển nông nghiệp hữu cơ quốc gia có nhiệm vụ thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ thông qua “Kế hoạch hành động nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2017-2022”. Kế hoạch thực hiện với sự hợp tác giữa 7 bộ để đạt được ba mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ: (i) thúc đẩy R&D cơ sở dữ liệu và chuyển giao kiến thức về nông nghiệp hữu cơ; (ii) phát triển sản xuất và quản lý nông nghiệp hữu cơ; (iii) phát triển dịch vụ và tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.
Thị trường toàn cầu cho sản phẩm hữu cơ trị giá hơn 100 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 20%/năm. Các thị trường quan trọng là Châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Quốc, Úc và Đông Nam Á. Thị trường nông nghiệp hữu cơ trong nước của Thái Lan đạt giá trị 3 tỉ bạt/năm, kim ngạch xuất khẩu 2,1 tỉ bạt và tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 10%/năm đối với đất nông nghiệp hữu cơ. Thái Lan có diện tích nông nghiệp hữu cơ đứng thứ 3 trong ASEAN sau Indonesia, Philippines và có sản lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đứng thứ 7 ở châu Á.