Điểm báo MOIT tuần từ ngày 26/01 đến ngày 01/02/2015
Tháng 1 có 3/11 nhóm hàng trong rổ tính CPI có chỉ số giá giảm so với tháng trước. Nhóm giao thông giảm mạnh tới 3,96% so với tháng trước; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,09% ; nhóm bưu chính viễn thông giảm nhẹ 0,07%. Nguyên nhân là do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá dầu thế giới. Bên cạnh đó, hiện Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra, rà soát giá cước vận tải trong thời gian qua cũng góp phần khiến các doanh nghiệp giảm giá cước vận tải.
CPI tháng đầu tiên của năm nay tiếp tục giảm còn do giá cả các mặt hàng còn lại ổn định, không tăng mạnh như mọi năm. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống vốn tăng mạnh ở cùng thời điểm của các năm trước cũng chỉ tăng 0,28%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tươi sống có tăng lên để đáp ứng các nhu cầu cận Tết Nguyên đán, nhưng giá xăng dầu liên tục giảm khiến tâm lý của người bán không thể đẩy giá lên quá cao. Do vậy, giá các mặt hàng thực phẩm chỉ tăng nhẹ 0,42% so với tháng trước.
Giá dầu giảm, thuận lợi nhiều hơn khó khăn
Cũng liên quan đến giá dầu giảm, báo Điện tử Đài Truyền hình Việt Nam ngày 31/01/2015 cho biết: .
Chiều 30/1, Chính phủ đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ tháng 1/2015. Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên khẳng định, tình hình kinh tế - xã hội trong tháng đầu tiên của năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực dù tình hình kinh tế thế giới và khu vực vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, trước đà giảm sâu của giá xăng dầu, người đứng đầu Văn phòng Chính phủ khẳng định, trong tác động hai chiều, thuận lợi vẫn nhiều hơn khó khăn.
Theo Văn phòng Chính phủ, trong tháng đầu năm, giá dầu thô giảm liên tục, hiện xuống khoảng 44 USD/thùng. Dự báo, mức giá có thể xuống còn 42 USD/thùng trong quý I/2015. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, tác động của giá dầu thô đến nền kinh tế là một nội dung quan trọng được thảo luận trong phiên họp Chính phủ thường kỳ trong tháng đầu năm. Ông Nguyễn Văn Nên cho biết: “Giá dầu thô giảm khiến nền kinh tế mất nguồn thu, nhập khẩu cũng giảm, chi phí của doanh nghiệp giảm nên khuyến khích tăng trưởng. Vì thế, Chính phủ vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng 6,2% trong năm nay”.
Ngay cả trong trường hợp dự báo giá dầu giảm xuống 40 USD/thùng, ngân sách sẽ bị hụt thu khoảng 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách vẫn hoàn toàn có khả năng cân đối mà không làm đảo lộn các nhiệm vụ thu chi.
TP. Hồ Chí Minh: Chỉ số phát triển công nghiệp tăng cao
Báo Đại đoàn kết điện tử ngày 27/01/2015 thông tin: . Theo đó, ngày 26/1, UBND TP. HCM cho biết, trong tháng 1/2015 chỉ số phát triển công nghiệp của thành phố ước tăng 9,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,4%).
Quy mô sản xuất công nghiệp của thành phố tiếp tục được mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo đó, 4 ngành trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất, cao su, nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) tăng 10% so với cùng kỳ. Lý giải nguyên nhân đưa chỉ số phát triển công nghiệp tăng cao ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cho rằng, do năm nay Tết rơi vào tháng 2 nên các doanh nghiệp đã chủ động có kế hoạch sản xuất và dự trự hàng hóa ngay từ đầu tháng 1 nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ thị trường Tết.
Gian nan cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả
Báo Tin Tức điện tử ngày 28/01/2015 có bài viết: . Theo thống kê của ngành Hải quan, từ năm 2013 - 2014 cả nước đã phát hiện 37.399 vụ vi phạm hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Chỉ tính trong năm 2014 vừa qua, đã có trên 16.000 vụ với số tiền vi phạm gần 200 tỷ đồng, so với năm 2013 tăng 4.115 vụ. Riêng TP Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 7184 vụ với tổng số tiền gần 100 tỷ đồng. Một nghịch lý khá trớ trêu là, người tiêu dùng đang bỏ tiền thật mua hàng giả. Ví dụ như rượu tây có đến 80 - 90% là giả vì không có nước nào bán rượu tây giá rẻ như ở Việt Nam, thậm chí giá còn rẻ hơn cả nước sản xuất ra mặt hàng này.
Hiện nay, việc chống hàng giả có 5 cơ quan chức năng tham gia (Công Thương, Y tế, Nông nghiệp, Hải quan, Cảnh sát điều tra, UBND phường – xã – thị trấn).
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, sở dĩ việc trì trệ trong công tác chống hàng giả, hàng gian có nhiều nguyên nhân như: xử phạt hành chính thiếu tính răn đe; thủ tục hành chính trong vấn đề khởi kiện lằng nhằng, v.v… Ví dụ muốn khởi kiện doanh nghiệp bán hàng kém chất lượng phải mất từ 6 tháng đến 2 năm, mức xử phạt cũng chỉ dừng ở 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện quyền của mình. Theo thống kê của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, mặc dù nước ta đã có tới 50 hội bảo vệ người tiêu dùng tại các tỉnh thành trên cả nước nhưng tổng cộng mỗi năm cũng chỉ nhận được khoảng 1.000 khiếu nại của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa, trong khi đó, Singapore có dân số ít hơn nhưng mỗi năm lại có tới trên 10.000 khiếu nại của người tiêu dùng.
Thủ tướng chỉ đạo bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu dịp lễ, Tết
Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2015 được báo điện tử thông tin ngày 31/01/2015. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác quản lý thị trường; phòng chống buôn lậu, phát hiện và xử lý nghiêm buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả. Kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung - cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong các dịp lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Về giá cước vận tải, Thủ tướng yêu cầu các Bộ liên quan và các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra việc định giá của doanh nghiệp; yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu việc đưa giá cước vận tải vào diện bình ổn giá.
Thủ tướng yêu cầu kiên định thực hiện giá thị trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, điện, than. Thận trọng, chặt chẽ trong điều hành giá bảo đảm giá xăng dầu trong nước ở mức phù hợp trong tương quan với giá xăng dầu ở các nước trong khu vực để ngăn ngừa buôn lậu xăng dầu, đồng thời có biện pháp quản lý chặt chẽ chống buôn lậu. Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất dự trữ xăng dầu khoảng 1 đến 1,5 triệu tấn.
Trong dịp Tết nguyên đán Ất Mùi, các ngành, địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các chính sách với người có công, bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng chính sách và người nghèo đón Tết, không được để nhân dân thiếu đói trong dịp tết.
Chính phủ họp thường kỳ tháng 1
Bản tin thời sự 19h, VTV1, Đài truyền hình Việt Nam ngày 31/01/2015 thông tin: . Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội đều đạt kết quả tích cực. Ngay từ đầu năm, các Bộ, ngành, địa phương đều đã nghiêm túc quán triệt, triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế -xã hội năm 2015, cụ thể hoá thành các chương trình, kế hoạch hành động và triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2015 nổi lên vấn đề là giá dầu thô thế giới giảm mạnh, thấp hơn so với mức dự báo khi tính toán các chỉ tiêu vĩ mô, cân đối thu chi ngân sách như đã trình Quốc hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu và cho biết với dự báo giá dầu xuống 40 USD/ thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 10.000 tỷ đồng và như vậy ngân sách hoàn toàn có khả năng cân đối mà không làm đảo lộn các nhiệm vụ thu chi.
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; kiên định và bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, nhất là các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế (GDP), lạm phát và cân đối ngân sách nhà nước. “Kiên định giữ mục tiêu tăng trưởng 6,2%, không để đảo lộn cân đối ngân sách, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 5%”.
Về giá cả, thị trường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý thị trường; phòng chống buôn lậu, phát hiện và xử lý nghiêm buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả. Kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung - cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong các dịp lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá